Dạo quanh các trung tâm thương mại, shophouse ở các khu đô thị cũng như các tuyến đường trung tâm TP HCM thời gian gần đây, nhiều mặt bằng đã bắt đầu được lấp đầy, giá thuê cũng nhích lên vì đã có sự cạnh tranh của các nhà đầu tư. Phân khúc này mặc dù chịu khó khăn lâu dài và hồi phục muộn nhưng được dự báo sẽ còn tiếp tục sôi động bởi nhờ kinh tế hồi phục cũng như khách quốc tế ngày càng tăng.
Tỉ lệ lấp đầy tăng cao
Theo Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt khoảng 117 tỉ USD. Lượng khách quốc tế tăng 7 lần với con số 600.000 người. Đáng chú ý là các thương hiệu quốc tế nhìn thấy cơ hội khi liên tục "tấn công" vào các khu trung tâm thương mại lớn sau hơn 2 năm "đóng băng" vì đại dịch.
Một mặt bằng tại trung tâm TP HCM đã có người thuê sau thời gian bỏ trống .Ảnh: AN NA
Thống kê của Cushman & Wakefield trong quý II vừa qua, tỉ lệ mặt bằng bán lẻ còn trống ở TP HCM đang giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 5,1% ở khu vực trung tâm và 12% khu vực ngoài trung tâm. Còn theo CBRE Việt Nam, tỉ lệ mặt bằng trống ở Hà Nội cũng giảm còn gần 10% khu trung tâm, ở khu vực ngoài trung tâm là gần 16%.
Tại TP HCM, một số nhà bán lẻ của các thương hiệu nổi tiếng tiếp tục tái ký hợp đồng với các trung tâm thương mại. Cụ thể, Uniqlo ký kết thêm nhiều thỏa thuận mới với các trung tâm thương mại để mở thêm cửa hàng mới trong giai đoạn 2022-2023. Muji cũng mở thêm cửa hàng thứ 4 tại trung tâm thương mại Cresent Mall (quận 7). AEON đang quy mô lên 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025 và tăng thêm 6 trung tâm thương mại lên con số 16 trong tương lai gần.
Các doanh nghiệp nội cũng đua nhau mở rộng "địa bàn" hoạt động như Nova Group mở hàng loạt nhà hàng, cà phê với nhiều thương hiệu thuộc hệ thống Nova F&B.
Tại khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), Công ty Chứng khoán SSI bao nguyên khu mặt tiền phía công viên tòa nhà Park 2 để làm văn phòng giao dịch. Đây là một trong đơn vị đầu tiên thuộc ngành chứng khoán đặt văn phòng giao dịch tại đây bên cạnh một số ngân hàng lớn đã hiện diện nhiều năm. Điều này được cư dân trong khu vực hết sức hài lòng vì thuận tiện hơn trong các hoạt động giao dịch, đầu tư.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các tuyến đường chính ở khu trung tâm TP HCM như Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi… vài tháng trước vẫn còn ế ẩm, vắng lặng thì nay hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu đang được tu sửa, thiết kế lại để chuẩn bị khai trương.
Ông Nam Phong, chủ nhà hàng Home Saigon ở khu phố Tây - Bùi Viện (quận 1), cho biết sau vài tháng khai trương trở lại, quán đã đông khách, ông phải tăng cường nhân viên phục vụ mới đáp ứng kịp. "Lượng khách ngày càng đông nên những người kinh doanh ở đây ai cũng mừng, không chỉ phố Bùi Viện mà các khu xung quanh cũng nhộn nhịp hẳn" - ông Nam Phong bày tỏ.
Giá thuê tăng
Khi nhu cầu thuê và tỉ lệ lấp đầy tăng, giá cả các mặt bằng cho thuê cũng hồi phục đáng kể so với vài tháng trước. Một số khách thuê nhà để làm nhà hàng, quán ăn cho biết họ rất mừng vì hợp đồng thuê vẫn ghi mức giá cũ, còn nếu đi thuê mới mức giá hiện đã tăng thêm ít nhất 10%-15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo 6 tháng của Công ty Tư vấn Bất động sản Jones Lang Lasalle Việt Nam cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ ở TP HCM bình quân khoảng 41,7 USD/m2/tháng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn ở Hà Nội, giá thuê thuần tại các trung tâm thương mại trọng điểm ở trung tâm và ngoài trung tâm hiện đã lên 63,6 USD/m2/tháng và 29,3 USD/m2/tháng. Nguyên nhân chủ yếu do năm ngoái, đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài nên nhiều chủ đầu tư trung tâm thương mại, chủ mặt bằng bán lẻ đã có chính sách giảm mạnh giá thuê để hỗ trợ người kinh doanh.
Đại diện Công ty Nghiên cứu Thị trường Collier Việt Nam đánh giá phân khúc bất động sản bán lẻ cải thiện đáng kể từ quý II/2022 và đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến chuyển tích cực. Sau dịch, hoạt động xây dựng được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ mang lại nguồn cung dồi dào cho thị trường mặt bằng bán lẻ trong thời gian tới. Giá thuê mặt bằng bán lẻ khắp cả nước cũng sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.
Thị trường bán lẻ TP HCM cũng được đánh giá nhộn nhịp nhất cả nước với dự án chuỗi siêu thị mới Nova Market. Giá thuê trung bình hiện lên tới 105 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm thành phố, dự kiến tăng thêm từ 3%-5% từ nay tính đến năm 2023. Tại Hà Nội, mô hình bán lẻ mới "Life-Design Mall" xuất hiện ở Vincom Mega Mall Smart City đã bổ sung 68.000 m2 diện tích cho thuê vào thị trường.
Giá thuê mặt bằng tại Hà Nội cũng được dự đoán tăng từ 1%-1,5%. Tại Đà Nẵng, không có nguồn cung mới nào được ghi nhận, tuy nhiên giá thuê vẫn có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước nhờ mở cửa du lịch.
Giá thuê văn phòng trở về mức trước dịch
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Colliers Việt Nam cũng cho thấy thị trường văn phòng tại TP HCM sôi động trở lại từ quý II/2022. Nhu cầu thuê văn phòng hạng A tăng mạnh, dẫn đến một số tòa nhà không còn diện tích trống. Giá thuê trung bình tăng ở cả hạng A và B đã trở về mức trước đại dịch. Cũng trong quý II, hai dự án mới CMC Creative Space (quận 7) và The Hallmark (TP Thủ Đức) đã cung cấp cho thị trường văn phòng thêm hơn 81.000 m2 diện tích sàn.
Trong khi thị trường văn phòng Hà Nội không ghi nhận nguồn cung mới nhiều quý liền, hầu hết các tòa nhà văn phòng giữ nguyên công suất cho thuê trên 75%. Phải 1-2 năm tới, Hà Nội có thêm nhiều tòa nhà văn phòng mới ở cả hạng A và B. "Trái ngược với tâm lý chung cho rằng nhu cầu không gian làm việc linh hoạt sẽ tăng lên sau đại dịch, tại Việt Nam, nhu cầu về loại hình văn phòng truyền thống lại chiếm ưu thế" - bà Nhung Vũ, Phó Giám đốc Dịch vụ văn phòng của Colliers Việt Nam, đánh giá.
Xem thêm: mth.13780411251802202-mik-gnaoh-ioht-ial-ort-el-nab-gnab-tam/et-hnik/nv.moc.dln