Rapper Phúc Du: Cũng có người nhận xét tôi bị một màu. Ý kiến trái chiều là thứ chúng ta muốn tránh cũng không được, chỉ có thể “gạn đục khơi trong”, chọn lọc những gì đúng đắn để thay đổi - Ảnh: MINH DUY
Phúc Du sinh năm 1996 và bắt đầu hành trình rap của mình từ nhà MC ILL do Hưng Cao đứng đầu.
Trong khoảng thời gian giới rap đổ xô đi thi truyền hình thực tế để tìm kiếm cơ hội thành danh, Phúc Du lại bất ngờ đầu quân cho một công ty giải trí để phát triển bản thân.
Ngoài hình ảnh một chiến binh gan lì trên sàn đấu đối kháng, Phúc Du cũng là gã trai thích đắm mình trong những suy tư về tình yêu.
"Hình ảnh rapper bị thương mại hóa là tín hiệu tích cực"
* Phúc Du là người thích xem phim. Sở thích ấy có giúp ích gì cho nhạc rap?
- Tôi thích xem phim của Quentin Tarantino và đã từng lấy cảm xúc từ đó để làm nhạc. Nhưng đó sẽ mãi là những demo "đắp chiếu". Ví dụ như Pulp Fiction, một bộ phim tuy cũ nhưng lại luôn mang nguồn năng lượng tươi mới, đọng lại trong tôi nhiều suy ngẫm.
Gần đây tôi xem Us and them, bộ phim tình cảm để lại trong tôi những cảm xúc khó tả. Nội dung phim có khá nhiều điều tương đồng với cuộc sống của tôi, là sự cố gắng theo đuổi đam mê nhưng vẫn phải đảm bảo sự ổn định về tài chính, hay là cả những cuộc tình tuổi trẻ dang dở "chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có chúng ta".
Bộ phim có những ý niệm đẹp về tình yêu đã truyền cảm hứng cho tôi rằng cái gì càng đơn giản, chân thành càng dễ chạm tai người nghe. Là một rapper, tôi nghĩ rằng việc xem phim hay đọc sách sẽ giúp chúng tôi có thêm kiến thức, trải nghiệm, sự hiểu biết để giúp âm nhạc của mình trở nên có chiều sâu và giá trị hơn.
* Vì sao thị trường nhạc rap hai năm nay bắt đầu hạ nhiệt rõ rệt kể từ Rap Việt? Hiện nay rapper đổ xô đi đóng quảng cáo rất nhiều. Anh có nghĩ hình ảnh rapper bị thương mại hóa quá mức?
- Đó là phản ứng bình thường của khán giả. Sau một năm bất ngờ bùng nổ, có thể khán giả hơi chai lì cảm xúc, mặt khác tiêu chuẩn nghe của họ đã được nâng lên, đòi hỏi các rapper phải nâng cao chất lượng âm nhạc của mình.
Tuy nhiên thẳng thắn mà nói thì hiện nay thị trường đã có nhiều sản phẩm rap được đầu tư hơn, khán giả thì cởi mở trong việc tiếp nhận rap.
Về việc hình ảnh rapper bị thương mại hóa, bản thân tôi cho rằng đó là một tín hiệu tích cực. Ngày xưa, tôi cũng là một trong những người đầu tiên thuộc thế hệ chơi rap nhận quảng cáo. So với hồi ấy thì bây giờ được đầu tư nhiều hơn, ít giới hạn về mặt nội dung hơn.
Việc thương mại hóa là một việc nên. Bởi vì làm nhạc ở nước ngoài họ có thể bán được nhạc, còn ở VN thì còn khó khăn lắm. Do đó nhận quảng cáo sẽ giúp nghệ sĩ có thêm kinh phí để đầu tư ngược lại cho âm nhạc. Tuy nhiên, thương mại hóa ở mức độ nào thì phải cẩn thận xem xét. Nếu quá nhiều thì thời gian đâu dành cho những sản phẩm của riêng mình?
Thiếu hụt nhà sản xuất cho hiphop
* Theo Phúc Du, vì sao nhiều rapper dù đã thành danh nhưng vẫn chưa thể có cho mình một album riêng?
- Cái gì dễ kiếm tiền hơn thì thường sẽ được nhiều người lựa chọn. Tại thị trường Việt Nam, để kiếm tiền từ album là việc không hề dễ dàng. Đó là cuộc chơi của những người cực kỳ tâm huyết, tài năng và sẵn sàng chịu rủi ro cả về lợi nhuận lẫn hình ảnh. Ra mắt single vẫn luôn dễ "ăn" hơn.
Đa số rapper vẫn chưa đủ thực lực và tiềm lực để ra album. Tuổi đời làm nghề của rapper không cao. Còn một vấn đề nữa vô cùng quan trọng, đó chính là thiếu nhà sản xuất (producer).
Nước ngoài có rất nhiều sự lựa chọn về producer, đặc biệt là rap, một thể loại rất quan trọng phần beat. Một con beat hay quyết định thành công 70% của tác phẩm. Thiếu hụt producer trong hiphop khiến việc sản xuất album trở nên khó khăn.
* Nhạc rap của gen Z liệu có gì khác so với thế hệ của Phúc Du? Những màu sắc âm nhạc nào bạn muốn kết hợp?
- Nói ra thì hơi tham lam nhưng tôi muốn kết hợp với tất cả các nghệ sĩ trẻ như Hieuthuhai, LowG… Một trong những thực tế về việc nhạc rap phát triển mạnh mẽ trên thế giới vì nó có sự kết hợp giữa các ý tưởng, phong cách và thể loại khác nhau. Sự kết hợp giữa các rapper với nhau hoặc với ca sĩ chính là điều mà tôi đang hướng đến.
Tôi đánh giá cao tài năng lẫn tiềm năng của các rapper trẻ. Họ đều có và sẵn sàng thể hiện cá tính. Tôi cho rằng sự thành công chỉ đến khi người nghệ sĩ khẳng định được nét cá tính khác biệt từ sâu trong con người, chứ không phải dựa vào những điều viển vông, hoa mỹ. Giá trị xuất phát từ sự chân thật tồn tại rất lâu.
Có một vấn đề mà đa số các rapper hiện nay đều gặp phải, chính là thiếu sự tự tin trong việc thể hiện cá tính. Thời điểm hiện tại ta có thể dễ dàng nhận thấy tất cả những gương mặt đạt thành công nhất định như LowG, MCK... đều là những người khẳng định được cá tính một cách rất tự tin, rõ ràng. Bởi vì hiphop còn là con người thật, cảm xúc thật của chính rapper.
* Những rapper theo trường phái gangster (thường có các chủ đề gai góc về bạo lực, giang hồ... vốn không phù hợp với số đông) ít được đón nhận và dễ gây phản ứng. Quan điểm của anh về điều này?
- Mọi người cứ nghĩ rằng gangster rap thì phải hầm hố, sự thật không phải như vậy. Người chơi rap chỉ muốn thể hiện cảm xúc, nói về cuộc sống của mình qua các bản nhạc. Có nhiều cách để thể hiện quan điểm mà không cần phải sử dụng các từ ngữ, hình ảnh phản cảm.
Tuy nhiên, về cơ bản, các bạn rapper đều đủ lớn để chịu trách nhiệm về những điều mình viết, những gì mình nói ra. Hiện nay, nhạc rap đã dần phổ biến với đại chúng và được chú ý nhiều hơn, cho nên các rapper theo trường phái gangster nên tìm cách thể hiện quan điểm một cách khéo léo, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có. Bên cạnh đó, mỗi thể loại rap đều hướng tới một đối tượng cộng đồng riêng.
TTO - Tối 8-8, rapper Phúc Du phát hành sản phẩm mới mang tên 'Đứa nào làm em buồn', đánh dấu sự trở lại sau 1 năm kể từ thành công của 'Đừng gọi anh dậy'. Bạn đồng hành cùng anh trong lần trở lại này là Hoàng Dũng.