Hôm 16/8, hãng hàng không Mỹ American Airlines cho biết đã đặt cọc mua 20 máy bay siêu thanh, cùng quyền chọn mua thêm 20 máy bay nữa của Boom Supersonic. Các điều khoản về tài chính không được công bố.
Boom đang phát triển một loại máy bay phản lực có tên Overture. Hãng cho biết máy bay này có sức chứa 65-80 hành khách và di chuyển với tốc độ gần gấp đôi âm thanh. Tuy nhiên, máy bay này vẫn đang trong giai đoạn đầu của việc phát triển. Lô máy bay đầu tiên phải đến năm 2025 mới hoàn thành việc sản xuất.
Overture gợi nhớ đến Concorde - loại máy bay siêu nhanh, cực kỳ đắt đỏ - chuyên chở hành khách xuyên Đại Tây Dương với mức giá 10.000 USD một vé. Dù vậy, năm 2003, máy bay này đã bị dừng hoạt động do không đạt hiệu quả kinh tế. Động cơ của nó cũng quá ồn khi bay qua đất liền.
American Airlines đang đánh cược một ngày nào đó, các máy bay siêu thanh sẽ được quay lại bầu trời. Một hãng bay khác của Mỹ là United Airlines năm ngoái cũng thông báo mua 15 máy bay của Boom. Các doanh nghiệp này đã rót tiền và thực hiện nhiều chiến dịch marketing nhằm hồi sinh mảng bay siêu thanh.
Dù vậy, giới chuyên gia nghi ngờ khả năng này. Họ cho rằng các máy bay tương tự Concorde không thể quay lại, một phần vì khó tìm đủ khách hàng sẵn sàng gánh mức giá đắt đỏ.
Boom cho biết các máy bay của hãng có thể vận hành từ năm 2029. Dù không thể đạt tốc độ tối đa khi bay qua đất liền, chúng vẫn có khả năng bay nhanh hơn 20% so với các máy bay hiện tại.
"Bay từ Miami đến London chỉ trong vòng 5 giờ và Los Angeles đến Honolulu trong 3 giờ là có thể", hãng cho biết.
Tuy nhiên, máy bay này sẽ phải nhận được sự chấp thuận của giới chức hàng không Mỹ và nước ngoài. Hiện chưa rõ khi nào và liệu rằng việc này có xảy ra hay không.
Sau thất bại của Concorde, cả các hãng hàng không và hãng sản xuất máy bay đều tập trung vào hiệu suất, thay vì tốc độ. Ví dụ, đầu những năm 2000, Boeing đã hủy kế hoạch làm máy bay Sonic Cruiser để chuyển sang máy bay tiết kiệm nhiên liệu là 787 Dreamliner.
Hà Thu (theo CNN)