Trong đó, các DA như Khu đô thị mới Thạnh Mỹ Lợi (174ha); Khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái (154ha, quận 2 cũ); Khu đô thị mới An Phú (87ha); Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long B, phường Phước Bình (quận 9 cũ); Khu dân cư Cát Lái (154ha, quận 2 cũ) đều trong tình trạng được đầu tư "nham nhở".
Từ các dự án hàng trăm héc-ta
Có mặt tại khu đô thị mới Thạnh Mỹ Lợi (nay thuộc TP.Thủ Đức), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì hơn 20 năm qua nhưng nơi đây vẫn là những bãi đất trống được đầu tư hạ tầng một cách sơ sài. Ẩn trong những đám cỏ cao là những trạm điện của các khu dân cư đã xuống cấp. Bên khu vực Thạnh Mỹ Lợi, một phần của khu đô thị cũng trong tình trạng tương tự, chỉ khác là có sự hiện diện của một vài căn nhà đã xây dựng.
Có thể nói, khu đô thị 174ha là một trong những khu đô thị mới mở rộng của TPHCM có vị trí tuyệt đẹp nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn, ngay tại trung tâm hành chính quận 2 cũ. Tuy nhiên, sau khi TP giao Công ty TNHH MTV XD Kinh doanh Nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư chính, đến nay DA này vẫn đang dang dở với những con đường đá, dây điện giăng ngang dọc. Tại nhiều đoạn giao nhau giữa các DA, thành phần là những vết cắt do chênh lệch về cao độ, không thống nhất hạ tầng.
Với vai trò là chủ đầu tư chính và các chủ đầu tư thứ cấp thực hiện DA thành phần, Công ty TNHH MTV XD Kinh doanh Nhà Phú Nhuận chịu trách nhiệm thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính. Khu đô thị 174ha Thạnh Mỹ Lợi được phân chia cho khoảng 16 DN làm DA thành phần và các chủ đầu tư thứ cấp đóng góp tài chính cho chủ đầu tư chính theo tỷ lệ phân bổ thỏa thuận và được giao đất để thực hiện các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt.
DA Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái (quận 2 cũ) có diện tích 154ha được UBNDTP giao cho Công ty Phú Nhuận làm chủ đầu tư chính và 14 chủ đầu tư DA thành phần. Cho đến nay, chỉ mới có tuyến đường số 6A dài khoảng 1,8km kết nối vào đường Nguyễn Duy Trinh đã được lát vải địa kỹ thuật, trải cát... nhưng vẫn còn khoảng 100m kết nối vào đường Đồng Văn Cống chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số chủ đầu tư DA thành phần đã xây dựng xong hạ tầng, do chưa kết nối được với hệ thống hạ tầng trục chính của DA nên người mua nền nhà nhiều năm nay cũng không thể xây để sinh sống.
Hàng trăm hộ dân ở khu vực Bình Trưng Đông (Q2 cũ) không thể xây nhà vì chưa được chủ đầu tư giao đất
Do DA kéo dài quá lâu, ngày 9-12-2014, UBNDTP đã ban hành Quyết định số 5995/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất dự án này của Công ty Phú Nhuận và Công ty Phú Nhuận không còn là chủ đầu tư chính. Việc này đồng nghĩa với việc TP có thể sẽ phải làm chủ đầu tư "bất đắc dĩ” để bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây lắp một số tuyến đường thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật trục chính của DA Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái (154ha) và kết nối nó vào hệ thống hạ tầng chung của khu vực. Trong khi chờ đợi những động thái từ UBNDTP thì các khách hàng tại KDC này vẫn miệt mài gõ cửa khắp nơi các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời giải quyết quyền lợi của họ.
... Đến khu dân cư Bắc Rạch Chiếc
DA Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82,52ha tại phường Phước Long A, phường Phước Bình (TP.Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trục đường chính. Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng thì các nhà đầu tư thứ cấp sẽ được giao đất để thực hiện. DA được Thủ tướng quyết định giao đất cho Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất quận 10 (nay là Công ty Cổ phần Địa ốc 10). Tuy nhiên, do có những sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng, nên DA đã bị thanh tra, điều tra khiến đến nay nhiều CĐT các dự án thành phần tại dự án này như DA Khu nhà ở Him Lam, Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý của Công ty Cổ phần Địa ốc Thảo Điền... cũng bị "treo" và không thể triển khai.
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, nguyên nhân khiến các khu đô thị này đều không đạt được mục tiêu như kỳ vọng là do chủ đầu tư chính thiếu năng lực tài chính, hoặc có một số chủ đầu tư DA thành phần thiếu năng lực dẫn đến chủ đầu tư chính không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nên không thực hiện được việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính như đường giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, công trình y tế, giáo dục, công viên cây xanh của dự án.
Trong khi đó, có một số chủ đầu tư thứ cấp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng xong hệ thống hạ tầng trong phần đất thuộc DA thành phần của mình và đã huy động vốn hoặc bán sản phẩm cho khách hàng, nhưng không kết nối được hệ thống hạ tầng của dự án thành phần với hệ thống hạ tầng của khu vực nên họ cũng không làm được thủ tục cấp "Giấy chứng nhận" cho khách hàng, vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa gây thiệt hại cho khách hàng, làm phát sinh khiếu kiện và tác động tiêu cực đến công tác phát triển đô thị.
Xem thêm: lmth.236531_ohn-mahn-ut-uad-na-ud-cac-ut-ig-yaht/nas-gnod-tab/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc