Hình ảnh chụp từ trên không cho thấy một chiếc thuyền đang nằm trên lớp đất khô cằn của vùng đầm lầy Chibayish ở phía nam Iraq ngày 24-7 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, những cánh đồng rộng lớn ở vùng đầm lầy Huwaizah, nằm giữa biên giới Iraq với Iran và vùng đầm lầy Chibayish nổi tiếng với du khách hiện đang khô cằn, nứt nẻ, cây cối úa vàng.
Năm 2016, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận các vùng đầm lầy miền nam Iraq là di sản thế giới, cả về sự đa dạng sinh học và lịch sử cổ đại của chúng.
Giờ đây, các dòng suối uốn quanh vùng đầm lầy từng xanh tốt một thời trở nên khô cạn. Khu vực hồ Um al-Naaj đã biến thành một vũng nước bùn đục ngầu trên một vùng đất khô nứt rộng lớn.
Từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2022, 46% diện tích vùng đầm lầy ở miền nam Iraq, bao gồm cả Huwaizah và Chibayish, đã bốc hơi toàn bộ lượng nước bề mặt, theo Tổ chức PAX của Hà Lan. Khoảng 41% diện tích khác của khu vực đầm lầy này đang bị giảm mực nước và độ ẩm.
PAX đã đưa ra các đánh giá nói trên dựa vào dữ liệu vệ tinh.
Những người đàn ông đi qua vùng đất khô cằn của đầm lầy Chibayish ở tỉnh Dhi Qar, Iraq ngày 24-7 - Ảnh: AFP
Văn phòng Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Iraq cho biết các đầm lầy là "một trong những vùng nghèo nhất tại Iraq, bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu".
Đồng thời, văn phòng cảnh báo "mực nước thấp chưa từng có", ảnh hưởng tới hơn 6.000 hộ gia đình, những người "đang mất trâu bò, tài sản sống quý giá duy nhất của họ".
Quần thể sinh học tại vùng đầm lầy miền nam Iraq cũng bị đe dọa. Theo UNESCO, các vùng đầm lầy là nơi sinh sống của nhiều quần thể và là điểm dừng chân quan trọng của khoảng 200 loài chim di trú.
Giới chức Iraq thông tin các kênh và suối nhỏ được cải tạo để đưa nước vào đầm lầy, song thừa nhận biện pháp này "không thể bù đắp lượng nước bốc hơi rất cao" dưới cái nóng hơn 50 độ C.
Vùng đầm lầy miền nam Iraq được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2016 - Ảnh: wetlands.org
Hạn hán gây cháy rừng diện rộng tại Tây Ban Nha
Tại Tây Ban Nha, cháy rừng diện rộng tuần qua đã buộc hàng ngàn người phải sơ tán, Hãng tin AFP đưa tin ngày 16-8.
Đám cháy xảy ra khi sét đánh vào khu vực Vall de Ebo của tỉnh Alicante hồi cuối tuần trước, và lan rộng kể từ đó, buộc chính quyền phải sơ tán hơn 1.000 người.
Tính đến cuối ngày 15-8, đám cháy đã thiêu rụi 9.500 ha đất. Khoảng 300 lính cứu hỏa cùng 24 máy bay và trực thăng đã được điều đến khu vực này để chiến đấu với "giặc lửa".
Ngoài ra, hàng trăm lính cứu hỏa cùng ít nhất 10 máy bay chữa cháy đã đương đầu với hai đám cháy khác ở phía bắc thành phố Valencia.
Đám cháy ở vùng Aragon cũng đã lan ra hơn 6.000 ha đất, buộc ít nhất 1.500 người rời bỏ nhà cửa.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2022, Tây Ban Nha đã hứng chịu 391 đám cháy rừng, nguyên nhân là do nắng nóng và hạn hán. Những đám cháy này đã thiêu rụi tổng cộng 271.020 ha đất.
Trong gần 8 tháng năm 2022, Tây Ban Nha đã ghi nhận 391 đám cháy rừng - Ảnh: AFP
Tại Pháp, sau đợt nắng nóng gần đây trên toàn quốc, trận mưa xối xả tại Paris ngày 16-8 đã làm ngập các ga tàu điện ngầm của thủ đô nước này.
Tổ chức vận tải RATP cho biết nhiều ga tàu điện ở Paris, bao gồm ga Balard, đã chìm trong biển nước. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Pháp thông tin rằng lượng mưa tương đương một tháng đã rơi trong một giờ tại Paris.
Cơ quan Khí tượng Pháp cũng dự báo mưa, bão có thể xảy ra ở các khu vực miền nam nước này vào cuối tuần này.
TTO - Ngày 16-5, Iraq tiếp tục hứng bão cát khiến ít nhất 2.000 người nhập viện do gặp các vấn đề về hô hấp. Các sân bay, trường học và cơ quan chính phủ trên khắp cả nước phải đóng cửa.
Xem thêm: mth.37542416171802202-peihk-gnuhk-nah-nah-iv-cam-as-hnaht-qari-auc-gnad-aid-nouv/nv.ertiout