Biến thể Omicron - Ảnh: AFP
Việt Nam ghi nhận biến thể COVID-19 BA.2.74
Ca nhiễm biến thể này ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ngày 8-8. Đây cũng là biến thể mới ghi nhận trước đó trên thế giới. Như vậy Việt Nam đã phát hiện ca mắc các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 và BA.2.12.1 của chủng gốc Omicron.
Bộ Y tế cho biết đây là các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh so với biến thể gốc và có thể làm ca mắc mới gia tăng trở lại.
Thực tế trong những ngày vừa qua, số mắc COVID-19 đã tăng cao hơn hẳn so với thời điểm tháng 6 và tháng 7, số tử vong cũng gia tăng những ngày gần đây (ngày 17-8 ghi nhận tới 3 ca tử vong).
Bộ Y tế xác minh tài sản cá nhân tại 20 đơn vị trực thuộc
Bộ Y tế vừa có thông báo sẽ tiến hành xác minh tại 20/104 đơn vị thuộc, trực thuộc. Cá nhân được xác minh là người có nghĩa vụ kê khai quy định tại điểm b, khoản 3, điều 36 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Tại mỗi đơn vị sẽ lựa chọn tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu đơn vị hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị.
Người được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập đáp ứng các tiêu chí sau: Có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền tính từ ngày 30-12-2021 trở về trước.
Không lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập của những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên. Việc xác minh sẽ tiến hành trong quý 3 và 4 năm 2022.
Sẽ có cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM
Chiều nay 18-8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải có buổi khảo sát về việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; tổ chức bộ máy ở phường, xã có dân số đông tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Chiều mai 19-8, đoàn sẽ khảo sát tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức.
Nguyên phó bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP Phạm Chánh Trực phát biểu tại buổi góp ý các chương trình, đề án triển khai nghị quyết 54 - Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM
Đây được xem là chuỗi hoạt động khảo sát thực tế về bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực hiện tại của TP phục vụ cho việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới thay nghị quyết 54 (nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM), khi vấn đề thu nhập và biên chế cán bộ luôn "nhức nhối" trong thời gian qua.
TP.HCM đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên tập, tiến hành tổng kết và đã hoàn tất bản dự thảo nghị quyết mới thay nghị quyết 54, đồng thời đã tổ chức 5 nhóm lấy ý kiến các chuyên gia, sở, ngành, lãnh đạo TP qua các thời kỳ… để Ban thường vụ Thành ủy thông qua trước khi báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022.
41/51 bộ ngành; 16/63 địa phương giải ngân đầu tư công đạt dưới mức trung bình
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng về 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công đi kiểm tra các bộ ngành, địa phương để nắm tình hình cụ thể, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm.
Số liệu giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm cho hay, số vốn giải ngân chỉ đạt 32,47%, trong đó có tới 41/51 bộ ngành và 16/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng để hoàn thành mục tiêu cao nhất cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo, coi việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đề cao kỷ luật kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Dự thảo đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách năm 2022 là 95-100%, giải ngân 100% ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Đồng thời sửa ngay các quy trình, thủ tục vướng mắc tác động tới giải ngân vốn hiện đang quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.
Nhóm người lao động nào bị COVID-19 tiếp tục được bảo hiểm hỗ trợ?
Theo hướng dẫn vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, những người mắc COVID-19 được bảo hiểm hỗ trợ gồm:
Người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30-9-2021 (không bao gồm người đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2021, có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.
Thời gian tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động đã nộp hồ sơ đúng thời hạn hoàn thành chậm nhất vào ngày 10-9-2022.
TTO - Thủ tướng phân công các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công 2022; Giữ ổn định giá điện, không để thiếu than cho điện; Một công ty ở TP.HCM nhập lậu hàng ngàn hộp thuốc điều trị ung thư... là những tin đáng chú ý sáng nay.