Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề về việc thể hiện tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra trong dự thảo luật. “Khi kết luận thanh tra có những vấn đề phức tạp thì quyền hạn của trưởng đoàn đến đâu?”, Chủ tịch Quốc hội nêu, và đề nghị các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cho biết thực tế ở T.Ư, địa phương đang giải quyết vấn đề này ra sao.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật cũng cố gắng xử lý, phân định trách nhiệm mang tính chuyên môn đảm bảo tính độc lập của đoàn thanh tra trong kết luận thanh tra với thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
Giải trình thêm, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dù luật hiện hành đã quy định, song thực tế tính độc lập về chuyên môn của thanh tra chưa đảm bảo. Ông Phong dẫn chứng thực tế ở địa phương, với các cuộc thanh tra phức tạp, chánh thanh tra thường xin ý kiến chủ tịch tỉnh bằng miệng chứ không bằng văn bản, nên việc “bị tác động” thường không bằng văn tự.
Ở T.Ư, ông Phong nêu thực tế “không biết từ bao giờ, tất cả các cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đều phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng không có thời gian xem, chủ yếu là Phó thủ tướng xem, sau đó lại xin ý kiến các bộ, ngành. “Mà các bộ, ngành hiện nay có ý kiến thì rất chung chung, vì vậy mà nhiều ý kiến nhưng không thu được hiệu quả. Cái thanh tra kiến nghị về trách nhiệm các bộ, ngành đó thì thường né ra”, ông Phong dẫn chứng, và cho hay điều này dẫn đến tình trạng “có những kết luận 5, 6 năm chưa ban hành được, nó mất hết tính thời sự”.
Đề cập hướng sửa đổi luật, ông Phong cho biết, dự thảo đã quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. “Tức là có tính độc lập ở đây”, ông Phong nhấn mạnh.