HLV Nguyễn Hoàng Huân Chương (bìa phải) huấn luyện đội U21 vào sáng 17-8 - Ảnh: N.K.
Với thực trạng đáng buồn như thế, bóng đá TP.HCM muốn cất cánh cũng khó nếu như không thật sự thay đổi cách đầu tư và cách làm.
Nơi ở xuống cấp
Sau khi trường năng khiếu nghiệp vụ giải thể, bóng đá và điền kinh được đưa về Trung tâm TDTT Thống Nhất vào năm 2013 để tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo VĐV.
Năm 2015, Sở VH-TT TP.HCM và Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) ký kết hợp tác với CLB Lyon (Pháp) đem đến sự lạc quan vào việc sẽ tạo bệ phóng cho bóng đá TP.HCM phát triển.
Tháng 6-2016, chương trình bắt đầu tuyển sinh hai lứa U11, U13. Một dự án dài hơi như thế, nhưng cơ sở vật chất rồi đội ngũ huấn luyện lại không được quan tâm đúng mức.
Bao năm qua, các mầm non tương lai của bóng đá TP.HCM lại chen nhau ở trong những căn phòng thiếu tiện nghi và ngày một xuống cấp dưới các khán đài sân Thống Nhất. Ban đầu là giường tầng, rồi giường bình thường và giờ có những phòng không có giường, chỉ trải nệm để nằm cho có không gian thoải mái hơn trong sinh hoạt.
"Máy lạnh trong phòng có, nhưng phòng thì hoạt động, phòng thì có cũng như không. Mỗi khi nhiều bạn chọn về nhà vào buổi tối, tụi em nếu lỡ ở phòng nóng sẽ tranh thủ qua phòng bạn ngủ cho mát. Nhà vệ sinh trong phòng xuống cấp, nước lại yếu nên nhiều bạn chọn ra ngoài nhà vệ sinh công cộng (cũng trong khuôn viên sân Thống Nhất) để tắm cho đã", một cầu thủ trẻ kể.
Đội ngũ HLV ít tên tuổi
Theo tìm hiểu, ngoại trừ tân giám đốc kỹ thuật của chương trình hợp tác với CLB Lyon - Gonnet David, Trung tâm TDTT Thống Nhất có 11 HLV để lo cho 3 tuyến trẻ. Nhưng nổi bật trong số này chỉ là cựu danh thủ Nguyễn Hồng Phẩm, cựu cầu thủ CLB Hải Quan Nguyễn Hoàng Xuân Trúc hay HLV từng cầm quân ở Giải hạng nhất Nguyễn Hoàng Huân Chương (Tây Ninh).
Ba nhân vật này được giao huấn luyện đội U21 - đội được đăng ký thi đấu ở Giải hạng nhì quốc gia dưới tên gọi Trẻ TP.HCM.
Với những HLV ở các tuyến trẻ còn lại từng là cầu thủ, thật khó để tra thông tin trên mạng từng thi đấu cho CLB nào khi thường dự bị là chính. Thậm chí, những HLV khác chỉ tốt nghiệp bóng đá ở Trường đại học TDTT chứ cũng chưa từng đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.
"Danh sư xuất cao đồ", với đội ngũ HLV "khiêm tốn" như thế, thật khó để bóng đá trẻ TP.HCM có thể đào tạo nên cầu thủ giỏi khi mà ngay từ đầu vào (tuyển sinh) đã khó có thể cạnh tranh với các lò đào tạo nổi tiếng khác như HAGL, PVF, Viettel...
Trên thực tế, lãnh đạo Trung tâm TDTT Thống Nhất cũng rất muốn tìm HLV tốt cho các tuyến trẻ của mình. Nhưng chế độ đãi ngộ thấp chính là rào cản. Cụ thể, một HLV đào tạo trẻ chỉ nhận lương cứng hơn 5 triệu đồng, thêm tiền ăn và tiền tập luyện nữa thì được tổng cộng khoảng 11 - 12 triệu đồng/tháng.
HLV trưởng của lứa U có khi có thu nhập cao hơn chút. Nhưng như thế cũng là chưa đủ để kéo về người tài. Trong khi đó, các địa phương khác hay các lò đạo trẻ nổi tiếng đều bổ nhiệm rất nhiều cựu tuyển thủ hay cựu danh thủ để "ươm mầm" tài năng và hái quả như đã thấy.
Giải pháp nào cho bóng đá trẻ TP.HCM?
Dù bóng đá học đường của TP.HCM được xem là phát triển mạnh nhất, nhưng theo ông Đoàn Minh Xương - người đứng đầu chương trình bóng đá học đường của HFF, nền tảng này chưa được tận dụng để phát triển bóng đá trẻ.
Thậm chí lứa cầu thủ trẻ được đào tạo trong chương trình hợp tác với CLB Lyon cũng không thấy lối ra khi không được hai CLB TP.HCM và Sài Gòn tiếp nhận mà chủ yếu mượn thi đấu ở các giải trẻ cho đúng quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhằm tránh bị phạt.
"Như vậy, động lực đâu cho cầu thủ trẻ phấn đấu? Lứa trẻ theo chương trình hợp tác với CLB Lyon cũng có vài cầu thủ tốt.
Nếu được CLB TP.HCM hay Sài Gòn tạo điều kiện cho lên tập, các em sẽ càng nỗ lực hơn. Còn đằng này, họ không thèm dòm ngó gì đến. Ngay cả phía Lyon cũng chưng hửng, không biết mình đào tạo cầu thủ cho ai", đại diện HFF chia sẻ.
Dù cố gắng làm công tác đào tạo trẻ khi hợp tác với CLB Lyon nhưng bóng đá TP.HCM vẫn không giành thành tích nào suốt một thời gian dài.
Việc luôn giành vé dự VCK các giải trẻ quốc gia thời gian qua là điều đáng khích lệ hơn là hài lòng. Điều này do không đánh giá đúng thực lực khi các lứa U của TP.HCM do nằm ở bảng đấu không quá khó - nơi các CLB phía Nam cũng đang sa sút.
Việc có 2 gương mặt vừa cùng U16 Việt Nam giành ngôi á quân Giải U16 Đông Nam Á 2022 (tiền đạo Võ Tuấn Phong và hậu vệ Nguyễn Hữu Trọng) hay góp 1 cầu thủ ở đội tuyển U17 sang Đức tập huấn hồi tháng 3 (tiền vệ Trương Trí Thiện) không phải là điều để bóng đá trẻ TP.HCM tự hào.
Nói vậy bởi những gương mặt này có phát triển nữa hay không vẫn là câu hỏi nếu nhìn vào thực trạng cơ sở vật chất lẫn đội ngũ HLV đào tạo như hiện nay.
Cần phối hợp với CLB TP.HCM và Sài Gòn
Ngoài việc cần được sự quan tâm và đầu tư hơn, Sở VH-TT cần phối hợp với hai CLB TP.HCM và Sài Gòn để họ có thể hỗ trợ HLV mà CLB sẵn có hoặc kinh phí để trả lương thuê HLV chất lượng hơn. Điều này nhằm có được lứa cầu thủ tốt và quay lại phục vụ cho hai CLB của bóng đá của TP.HCM.
Trước mắt, ý tưởng đưa các tuyến trẻ của Trung tâm TDTT Thống Nhất về Trung tâm thể thao Thành Long ăn ở và tập luyện, Sở VH-TT sẽ hỗ trợ ngân sách cho CLB Sài Gòn có lẽ là giải pháp hợp lý.
Nhưng về lâu dài, bóng đá trẻ TP.HCM vẫn cần những giải pháp tốt hơn và cả sự đột phá.
TTO - Ngày 8-8, các tân học viên khóa 3 Học viện bóng đá Nutifood JMG đã có buổi tập đầu tiên trong chương trình đào tạo bóng đá chuyên nghiệp kéo dài 7 năm tại đây. Toàn bộ chi phí đào tạo ước tính khoảng 8 tỉ đồng/cầu thủ trong 7 năm là miễn phí.
Xem thêm: mth.49980958081802202-noub-gnad-gnart-cuht-mchpt-ad-gnob-auc-ert-uht-uac-oat-oad/nv.ertiout