vĐồng tin tức tài chính 365

Quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững

2022-08-18 12:21

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới, với sự đe dọa tính mạng hàng chục triệu người và tài sản của nhiều quốc gia trị giá nhiều nghìn tỷ USD thì những chính sách nhằm chống biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên đang là quan tâm và ưu tiên trong mọi chính sách của các quốc gia trên thế giới. Phát triển xanh, tăng trưởng bền vững, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh, bền vững. Trong bối cảnh này, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành (trong đó có NHNN) cùng với các chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Thống đốc chia sẻ, thời gian vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19, tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các Chính phủ trên thế giới đưa ra nhiều giải pháp để cứu trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay sau khi cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới lại đối mặt với các nguy cơ lạm phát gia tăng trên toàn cầu, diễn biến quan trọng về chính trị giữa các khu vực, các nước lớn trên thế giới… Đối với Việt Nam, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự triển khai quyết liệt của các bộ, ngành, Việt Nam cơ bản ổn định về kinh tế vĩ mô, thực hiện các chương trình, mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, trong đó có nội dung quan tâm, chú trọng đối với các giải pháp để thực hiện chống biến đổi khí hậu. Ngành ngân hàng cũng thực hiện theo chủ trương chung, ban hành, xây dựng Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, bám sát chủ trương của Chính phủ về Kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng; ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư, tạo hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, quan tâm đến những vấn đề quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh cho nền kinh tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao NHNN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan về huy động nguồn lực từ các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế phục vụ cho Chiến lược phát triển xanh và thực hiện cam kết tại COP26, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi với các định chế tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác Ngân hàng (BWG)… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững.

Thống đốc mong muốn, hội nghị hôm nay sẽ là dịp để các đại biểu trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn trong và ngoài nước, đề xuất các giải pháp hiệu quả... để có thể thu hút, huy động và sử dụng tối đa, có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quý báu từ các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng nước ngoài cho Việt Nam cũng như ngành Ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng tin tưởng, thông qua các bài trình bày của diễn giả trong và ngoài nước và nội dung tọa đàm trong Hội nghị, sẽ gợi mở những cách thức, hướng đi mới, cho Chính phủ, ngành Ngân hàng trong việc tiếp cận, huy động nguồn lực, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, tăng trưởng bền vững cũng như các cam kết của Việt Nam tại COP26.

image

Bà Michele Wee - Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) phát biểu tại Hội nghị

Về phía BWG, bà Michele Wee chia sẻ, để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính được đánh giá là yêu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi này. Sự hỗ trợ của Chính phủ cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thiết thực của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân.

Chủ tịch BWG cho rằng, để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng xanh cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Với định hướng và lộ trình này của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các TCTD, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.

A person standing at a podiumDescription automatically generated with medium confidence

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 vừa là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn lực thực hiện. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho VIệt Nam (CCDR) vừa mới công bố, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần huy động nguồn lực tài chính thêm khoảng 6,8% GDP hàng năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040, trong đó cần huy động từ khu vực tư nhân khoảng 50%.

Tăng trưởng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hoá cam kết của Việt Nam đối với Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, ngay trước thềm Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với bốn nhóm mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hoá các ngành kinh tế; Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hoá quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Nhằm cụ thể hoá Chiến lược, ngày 22/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Đây chính là lộ trình để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo thịnh vượng về kinh tế, bên vững về môi trường và công bằng về xã hội. Việc triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh sẽ góp phần hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, đặc biệt là việc thực hiện cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

image

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các bên đã trình bày, tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề, nội dung quan trọng, có tính thời sự về cam kết của Chính phủ tại COP26 và việc triển khai thực hiện tại Việt Nam; định hướng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; huy động nguồn lực cho các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững; thông điệp chính từ Báo cáo Khí hậu và Phát triển Quốc gia Việt Nam; việc hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế và rủi ro khí hậu; thực tiễn triển khai, kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị và đề xuất…

Hội nghị này là cơ hội để các bên liên quan có thể trao đổi, chia sẻ và thu thập các nguồn thông tin quan trọng từ phía Chính phủ Việt Nam về định hướng, chính sách về phát triển xanh và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu cam kết tại COP26 cũng như lắng nghe chia sẻ, trao đổi về thực tiễn triển khai và những kiến nghị đề xuất từ các đối tác tiềm năng để thu hút các nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện một số mục tiêu tại COP26. Từ đó, NHNN và các Bộ, ngành liên quan có thể xem xét, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ các giải pháp phù hợp, thích nghi với tình hình và xu hướng mới.

Kết thúc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chia sẻ, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này là điều mà chúng ta hướng tới. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam thực hiện những cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tăng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế. Trong tiến trình này, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững. Với tín hiệu, thông điệp đưa ra trong Hội nghị ngày hôm nay từ các tổ chức quốc tế, các ngân hàng nước ngoài về nguồn lực hỗ trợ/tài trợ, Phó Thống đốc tin tưởng rằng sẽ có dịch chuyển, thu hút dòng vốn, nguồn lực đầu tư mới chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới.

 

image

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá cao các bài phát biểu, trình bày, các ý kiến đóng góp, trao đổi tích cực từ các đại biểu tham dự hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định, các nội dung trình bày, trao đổi tại hội nghị đã giúp hình dung được một bức tranh toàn cảnh, khá toàn diện về tình hình, thực tiễn triển khai của Chính phủ, bộ, ngành trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng xanh, tiến trình chuyển đổi năng lượng; các thuận lợi, vướng mắc về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý; nguồn lực hỗ trợ và khả năng huy động từ các tổ chức quốc tế cũng như các đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp nhằm khai thông, thu hút và huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực. Các nội dung, ý kiến trao đổi từ các đối tác quốc tế, các góp ý từ các đại biểu trong buổi Hội nghị này sẽ giúp cho Chính phủ, các Bộ, ngành nắm bắt, hiểu rõ hơn mong muốn, nhu cầu của các bên, tổ chức cấp vốn, các quỹ, nhà đầu tư và cũng đồng thời gợi mở cho các cơ quan quản lý trong nước có những nghiên cứu, xem xét để có tham mưu, đề xuất những thay đổi, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Phó Thống đốc cũng mong muốn các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án xanh, chuyển đổi xanh, tiếp cận được đầy đủ nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài do chính các Ngân hàng nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam thực hiện.

Chủ tịch BWG Michele Wee Chúng bày tỏ vui mừng vì hội nghị đã nhận được những ý kiến tâm huyết và hi vọng các nội dung này sẽ được tổng hợp, làm tiền đề để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, từ đó tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tài chính bền vững tại Việt Nam. Bà Chủ tịch cũng cam kết tiếp tục ủng hộ, hợp tác thông qua tham gia trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm áp dụng thực tiễn để đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển khung pháp lý tại Việt Nam. Các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ Việt Nam và NHNN để cam kết, huy động các nguồn lực cần thiết hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu và cam kết tại COP26.

LK - Ảnh: ĐK

Xem thêm: 630715VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools