Cảnh trong phim The Blanket của đạo diễn Mitpasa Sitthihakpanya
Đó là một nông thôn trông có vẻ yên bình, nhuần nhị nhưng đã ẩn chứa những đứt gãy thời cuộc.
"Câu chuyện trong phim là chuyện thật của gia đình tôi. Tôi sinh ra ở một làng quê rất nghèo, mọi người thường rời quê ra đi để tìm việc mong thoát nghèo.
Nhưng người ra đi thường quên cảm giác của người ở nhà chờ đợi. Sự chờ đợi rất dài và rất buồn" - nữ đạo diễn Mitpasa Sitthihakpanya, tác giả phim ngắn The Blanket, nói.
Người trẻ Lào ở vùng quê và nỗi sợ đổi thay
The Blanket tinh tế và giàu tính nữ, dù nhân vật chính là một cậu bé chờ đợi cha đi làm xa trở về. Cậu bé sống cùng mẹ và hai em, mòn mỏi trong căn nhà quê rách nát, ăn uống thiếu thốn qua ngày nhưng thứ thiếu nhất chính là hơi ấm người cha. Đạo diễn khiến khán giả day dứt trước cảnh cậu quàng chiếc chăn, ngồi co ro ở cửa ngóng cha về.
Một số khán giả Việt xúc động trước hình ảnh nông thôn còn hoang sơ, được quay kỹ lưỡng trong các bộ phim Lào vì những hình ảnh ấy mang bóng dáng Việt Nam một thời, nhất là khi bối cảnh nông thôn ngày càng ít xuất hiện trong phim Việt hiện nay.
The Blanket là một trong những bộ phim được tuyển chọn chiếu tại TP.HCM mới đây cùng bốn phim ngắn khác của Lào. Đó là Loser Boy (đạo diễn Thanva Kounlavong), Only Happiness Can Say (Apple Suka), Daughter of the Salt Maker (Bountom Saidara) và A Friend Request (Wravong Phrachanh).
Buổi chiếu phim Lào ở TP.HCM nằm trong loạt sự kiện "Khám phá Đông Nam Á qua phim ngắn" (S-EPRESS 2022), do giám tuyển Marcus Mạnh Cường Vũ kết nối với phía Lào. Buổi chiếu do nhà sản xuất Thanh Trần (ảnh) chủ trì - Ảnh: MI LY
Only Happiness Can Say và Daughter of the Salt Maker có chủ đề giống với The Blanket. Nhưng thay vì người cha rời quê ra thành phố, hai phim này nói về những người trẻ Lào với mối giằng xé: chọn quê hay thành phố, chọn yên bình nhưng tàn lụi trong cái cũ, cái nghèo hay đối mặt với những rủi ro, mạo hiểm của sự đổi thay.
Đạo diễn The Blanket nói tiếp về nỗi sợ đổi thay ở người trẻ Lào hiện nay: "Họ sợ sự thay đổi và không muốn thay đổi vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Các bộ phim cũng phản ánh được lối nghĩ của người dân Lào".
Còn đạo diễn Daughter of the Salt Maker nói: "Nhìn chung, người trẻ ở Lào có rất ít cơ hội phát triển bản thân nếu sinh ra ở vùng quê nghèo, xa thành phố. Các nhà làm phim quan sát thấy thực trạng đó và họ rất đồng cảm".
Còn Loser Boy nói về một chàng trai thất bại, bị ung thư và đang sống những ngày cuối đời bên người bạn thân. Phim vừa hài vừa bi nhưng cách gợi vấn đề còn non. Trong loạt phim nghiêng về buồn bã, A Friend Request mang lại góc nhìn tươi sáng hiếm hoi khi kể về mối tình học đường giữa những người bạn thời Facebook.
Hình ảnh nông thôn xuất hiện trong phim ngắn Lào, như làng nghề làm muối trong Daughter of the Salt Maker (Con gái người làm muối) - Ảnh: LANXANG SHORTS
Làn sóng điện ảnh mới ở Lào dần trỗi dậy
Đây là lần đầu tiên nhiều khán giả tiếp cận với phim ảnh Lào, để trả lời câu hỏi họ tò mò bấy lâu "Người Lào làm phim như thế nào?". Lào là đất nước láng giềng có mối quan hệ đặc biệt bền chặt với Việt Nam, thế nhưng trong suốt hàng thập niên qua, nền phim ảnh của nước này vẫn rất xa lạ.
Nhà sản xuất Thanh Trần - người chủ trì buổi chiếu các phim ngắn đã tham dự liên hoan phim ngắn LanXang Shorts ở Vientiane - cho biết trao đổi với giám tuyển Xaisongkham Induangchanthy (gọi tắt là Kham) và các nhà làm phim Lào khác, cô nhận được thông tin trên khắp nước Lào chỉ có vài rạp chiếu phim, thị trường điện ảnh quá bé nhỏ.
Xaisongkham Induangchanthy - nhà làm phim, người đồng sáng lập Làn sóng điện ảnh mới ở Lào - Ảnh: IF CINEMA
Nói đến những nỗ lực để phát triển điện ảnh Lào, không thể không kể đến giám tuyển Kham, người đồng sáng lập Làn sóng điện ảnh mới ở Lào - nơi quy tụ các nhà làm phim hoạt động tại Lào. Kham từng tốt nghiệp thạc sĩ về làm phim tại New York, Mỹ theo Học bổng Fulbright vào năm 2015. Hiện anh đang phát triển dự án phim đầu tiên của mình mang tên Raising a Beast.
Trò chuyện qua Zoom với khán giả Việt Nam trong buổi chiếu tại TP.HCM, giám tuyển Kham cho biết hiện nay giới làm phim ở Lào đang đi theo con đường giống ở Việt Nam: tìm kinh phí sản xuất ở các quỹ quốc tế và nộp phim tham dự các liên hoan phim, nhằm phản ánh một bức tranh chân thực về cuộc sống ở Lào cho khán giả quốc tế.
Mattie Do là một đạo diễn nổi bật của điện ảnh Lào, sinh ra ở Mỹ và quay về Lào làm phim. Chị có cha là người Việt Nam nhưng cũng sinh ra ở Lào - Ảnh: TMDB
Theo tờ Nikkei, cách đây 10 năm Lào chưa có ngành công nghiệp điện ảnh. Vài năm gần đây, điện ảnh Lào chỉ sản xuất khoảng 3 phim truyện mỗi năm.
Mattie Do, một nữ đạo diễn gốc Việt, là gương mặt nổi bật của điện ảnh Lào gần đây với các phim Chanthaly, Dearest Sister, The Long Walk. Đặc biệt, Dearest Sister còn được Lào nộp dự hạng mục Phim quốc tế xuất sắc ở Oscar nhưng không vào vòng trong.
TTO - Tác phẩm tâm lý giật gân của nữ đạo diễn Mattie Do sẽ đại diện Lào trong cuộc đua gắt gao đến vòng sơ tuyển của giải thưởng điện ảnh danh giá hàng đầu thế giới.
Xem thêm: mth.40155748081802202-gnav-ax-ioht-man-teiv-tom-gnad-gnob-oal-mihp/nv.ertiout