Brian Kemp tại Sudbury (Vermont) đã quen với việc đồng cỏ ở trang trại Mountain Meadows phát triển chậm hơn vào cuối mùa hè nóng nực. Nhưng năm nay, cỏ thậm chí không thể mọc. Đang quản lý một trang trại nuôi bò hữu cơ với 600 đến 700 con, Kemp nói rằng tình hình này "rất căng thẳng". "Tôi không nghĩ là bình thường nữa", anh nói.
Khảo sát mới của American Farm Bureau Federation (AFBF) - công ty bảo hiểm và vận động hành lang cho lợi ích nông nghiệp - cho biết gần ba phần tư nông dân Mỹ nói rằng hạn hán năm nay đang ảnh hưởng đáng kể đến vụ mùa.
Hạn hán năm nay đang gây ra nhiều khó khăn hơn so với 2021. 37% nông dân cho biết đang tiêu hủy cây trồng vì chúng sẽ không thu hoạch được do thiếu nước. Con số này tăng vọt so với mức 24% của năm ngoái.
Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ, tháng 7 vừa qua là tháng nóng thứ ba trong lịch sử nước này. Bản tin thời tiết và mùa màng của Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 6/8 báo cáo "hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền Trung, Nam và Trung Nam, làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất mặt, ảnh hưởng đáng kể đến đất đai, đồng cỏ và các loại cây trồng mùa hè khác nhau".
AFBF ước tính gần 60% diện tích đồng bằng Tây, Nam và Trung Bộ đang trải qua hạn hán nghiêm trọng trong năm nay. "Những ảnh hưởng của đợt hạn hán này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, không chỉ với nông dân và chủ trang trại mà còn cả người tiêu dùng", Chủ tịch AFBF Zippy Duvall cho biết.
Cũng theo Duvall, nhiều nông dân đã phải bán bớt số gia súc họ nuôi trong nhiều năm, hoặc phá bỏ số cây đã trồng suốt vài thập kỷ qua. Cuộc khảo sát của AFBF được thực hiện trên 15 bang, từ ngày 8/6 đến ngày 20/7 ở các vùng hạn hán khắc nghiệt từ Texas, Bắc Dakota đến California, nơi chiếm gần một nửa sản xuất nông nghiệp của Mỹ.
Tại California - bang có nhiều cây ăn quả, 50% nông dân cho biết phải chặt bỏ cây trồng do hạn hán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong tương lai.
Nông dân ở Texas thì phải bán đàn gia súc sớm hơn bình thường, do hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước và đồng cỏ. Nông dân bang này giảm quy mô đàn nhiều nhất với 50%, tiếp theo là New Mexico và Oregon với lần lượt 43% và 41%.
"Chúng ta chưa từng chứng kiến đợt bán bò lớn như thế này kể từ 2011 - năm có đợt hạn hán lớn gần nhất", David Anderson, Giáo sư Kinh tế Nông nghiệp tại Texas A&M, nhận định.
Tiếp cận nguồn nước cho vật nuôi là một vấn đề quan trọng đối với nông dân và chủ trang trại trong năm nay, với 57% cho biết địa phương hạn chế sử dụng nước, cao hơn so với 50% năm ngoái. Các nguồn nước quan trọng ở những nơi như hồ Mead và hồ Powell thường cung cấp nước cho 5,5 triệu mẫu (hơn 2,2 triệu ha) đất ở 7 bang miền Tây.
Hôm 16/8, chính phủ Mỹ thông báo sông Colorado hiện ở trong điều kiện thiếu hụt cấp 2, lần đầu tiên kể từ tháng 1. Điều đó có nghĩa các bang Arizona, Nevada và New Mexico sẽ phải giảm hơn nữa việc dùng nước từ sông này.
Lạm phát cao cũng khiến các chủ trang trại tốn chi phí tưới tiêu hơn. Giá dầu diesel đang giảm nhưng vẫn ở mức cao, khiến việc vận chuyển nước bằng xe tải đắt hơn đáng kể so với những năm trước đây. Giá phân bón cho cỏ, hoa màu và thức ăn chăn nuôi cũng vẫn đắt đỏ.
Tại bang Vermont, người phụ trách nông nghiệp Anson Tebbetts cho biết sản lượng và chất lượng cỏ khô giảm, đồng nghĩa sẽ không có nhiều thức ăn cho bò vào mùa đông. Bang này có khoảng 600 trang trại bò sữa - ngành công nghiệp trị giá 2 tỷ USD mỗi năm.
Một trong những cánh đồng mà người nông dân Milan Adams ở Exeteris (Rhode Island) đang cày xới đã bạc đi vì thiếu nước. Những năm trước, trời mưa vào mùa xuân. Năm nay, việc khô hạn bắt đầu từ tháng 3, và đến tháng 4 thì khô đến nỗi anh rất lo lắng về vụ cắt cỏ đầu tiên với dự báo sản lượng kém.
Trong khi đó, lạm phát đang đẩy chi phí của mọi thứ lên, từ dầu diesel, phụ tùng thiết bị, phân bón đến thuốc trừ sâu. "Tất cả đều có giá cao chót vót. Cứ như xát muối vào vết thương vậy", anh nói.
Tác động sẽ lan đến người tiêu dùng, vì họ phải chi tiêu nhiều hơn cho một số sản phẩm do hạn hán. Theo Daniel Munch, nhà kinh tế tại Liên đoàn Trang trại Mỹ, sau khi thị trường thịt bò dư thừa vì đợt giết mổ lớn lần này, giá sẽ tăng trong 6 tháng đến hơn một năm tới do tổng đàn còn lại ít hơn. Còn với cây trồng đặc sản, giá có thể tăng ngay sau thu hoạch.
Trái cây, các loại hạt và rau quả chủ yếu đến từ các bang có mức độ khô hạn cao. Tuy nhiên, nông dân đã buộc phải từ bỏ canh tác hoặc phá hủy các vườn cây ăn trái. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho những mặt hàng này và phụ thuộc một phần vào nguồn cung nước ngoài.
Ví dụ, California chiếm 80% nguồn cung hạnh nhân trên thế giới. Nếu diện tích trồng giảm, việc tìm hạnh nhân từ nơi khác cũng hạn chế. Việc trồng hạnh nhân ở nơi mới cũng không dễ khi loại cây này cần khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng.
Báo cáo lạm phát tháng 8 của Cục Thống kê Lao động cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn 9,3% cho trái cây và rau quả so với một năm trước.
Phiên An (theo CNN, Los Angeles Times)