Các khách mời tham gia tọa đàm sáng 18-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Học phí phải phù hợp với khả năng "chống chịu" của xã hội
TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng tự chủ đại học trong những năm qua được triển khai theo lộ trình từ thí điểm tự chủ chi thường xuyên đến thí điểm tự chủ hoàn toàn. Những cái tên được lựa chọn thí điểm phần lớn có uy tín và kinh nghiệm trong đào tạo trình độ đại học ở Việt Nam hiện nay.
Theo ông Hùng, trong quá trình tự chủ, các trường đại học sẽ phải tính toán đến những phương án hỗ trợ người học, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi. Khi nguồn thu tăng từ việc điều chỉnh mức học phí, các trường đại học tự chủ cũng có thêm nhiều khoản kinh phí để cấp học bổng cho sinh viên giỏi hoặc hỗ trợ cho người học có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Hùng cho biết hiện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dành đến khoảng 20% nguồn thu học phí hằng năm để khuyến khích và hỗ trợ sinh viên.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết khi lên lộ trình tự chủ, trong đó có về tài chính, trường đã phải phân tích mức tăng sao cho hợp lý giữa mục tiêu có nguồn lực phát triển nhưng phù hợp với sức "chống chịu" của xã hội, đặc biệt ở các vùng miền có đông sinh viên theo học ở trường.
Để hài hòa, trường tiếp tục tăng cường hoạt động cấp học bổng. Đặc biệt, trường vận động từ nguồn doanh nghiệp, cựu sinh viên. Mới đây, quỹ vay vốn lãi suất 0% do các cựu sinh viên của trường bảo lãnh đã ra đời, có thể hỗ trợ thêm hàng trăm sinh viên mỗi năm.
TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
ThS Bùi Quang Trung - trưởng phòng truyền thông và marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng khác với các đại học công lập, những trường tư thục gần như phải đối mặt với bài toán tự chủ về tài chính ngay từ những ngày đầu thành lập.
Việc xác định mức học phí sẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau nhưng sẽ luôn có được sự cân đối. Hằng năm, trường đều dành những suất học bổng có giá trị 20-100% cho các tân sinh viên xuất sắc hoặc các gói hỗ trợ từ 5 - 7 triệu tùy từng ngành.
Bên cạnh cấp học bổng và những chương trình vay ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ người học đang được triển khai tại trường, PGS.TS Nguyễn Minh Đức - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cho biết đơn vị đang đa dạng hình thức hỗ trợ cho sinh viên.
Chẳng hạn, việc tạo điều kiện cho sinh viên tham gia những khóa học ngoại ngữ, kỹ năng hay tin học ngay tại trường, kết nối với doanh nghiệp cho sinh viên tìm việc làm trong thời gian đi học cũng là hình thức trợ giúp mang nhiều giá trị. Sinh viên từ đó được mở ra nhiều điều kiện để phát triển, tăng sức cạnh tranh khi tốt nghiệp.
ThS Bùi Quang Trung - trưởng phòng truyền thông và marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nguồn thu từ nghiên cứu, hiến tặng
PGS.TS Trần Thiên Phúc cho rằng hiện tại học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu của khoảng 90-95% các trường đại học Việt Nam. Đa dạng nguồn thu với các trường đại học hiện vẫn là một bài toán tương đối thách thức. Ông Phúc chia sẻ câu chuyện tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ những năm 1990, trường đã thành lập những trung tâm về kỹ thuật để cùng thực hiện các dự án với các doanh nghiệp.
Gần đây, trường cũng đã thành lập một công ty khoa học công nghệ thuộc sự quản lý của nhà trường, có thể chuyển giao các đề tài nghiên cứu của giảng viên.
Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu của trường có thể kết nối với các dự án của Chính phủ và địa phương để tăng nguồn thu. Ông Phúc cho biết hiện nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao này chiếm từ 10-15% tổng nguồn thu của trường.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
ThS Trần Nam - trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đặt vấn đề các đại học và doanh nghiệp có thể cùng nhau dần hình thành văn hóa hiến tặng trong nhà trường.
Ở các nước phát triển, nguồn thu từ hiến tặng có thể chiếm phần lớn trong doanh thu các trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo ông Nam, phần nhiều những người có tiền thường chuộng những hình thức làm từ thiện hay góp tiền cho các cơ sở tôn giáo hơn là hiến tặng cho đại học.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Đức - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng Nhà nước nên có những sự hỗ trợ để khuyến khích nguồn hiến tặng cho trường đại học. Chẳng hạn, các khoản tiền hiến tặng của các cá nhân, doanh nghiệp có thể được giảm hoặc khấu trừ thuế. "Đây là việc tôi thấy các nước phát triển đã làm và cho hiệu quả rất tốt", ông Đức nói.
TS Trần Đức Cảnh - thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Tự chủ" khác "tự túc"
TS Trần Đức Cảnh - thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 - nêu quan điểm khái niệm "tự chủ" đại học nên được hiểu khác với "tự túc" đại học.
Nhà nước vẫn có thể cấp kinh phí thông qua những chương trình, dự án cho trường đại học đúng với những mục đích và định hướng của mình. Bởi vì các sinh viên tốt nghiệp cũng chính là nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội, nên Nhà nước có thể tham gia hỗ trợ ở một mức độ nào đó cùng với các trường đại học.
Ông Cảnh cho biết xu hướng chung trên thế giới trong vòng 25 năm qua, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho các trường đại học có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các nước vẫn dành sự hỗ trợ, kể cả về tài chính, cho các trường đại học.
Chẳng hạn các trường đại học ở Mỹ, một đại học tự chủ vẫn có thể nhận hỗ trợ từ cả chính phủ của bang và liên bang để phục vụ cho định hướng chung về phát triển lao động, khoa học kỹ thuật… "Tự chủ đại học nhìn chung phải có một lộ trình và ổn định được những mục tiêu phát triển đã đề ra", TS Trần Đức Cảnh nói.
PGS.TS Nguyễn Minh Đức - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối ưu hóa chi phí
ThS Bùi Quang Trung - trưởng phòng truyền thông và marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng một vấn đề khác mà các trường đại học cần lưu tâm là tối ưu hóa chi phí trong trường đại học. Khi các chi phí được hiệu quả tối đa, cắt giảm được những phần không thật sự thiết yếu, trường đại học có thể tính toán ra mức học phí hợp lý hơn cho sinh viên.
TTO - Học phí đại học đúng là một gánh nặng đối với các sinh viên người Úc, gần như ai đi học đại học cũng phải mắc nợ chính phủ và trả dần trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp và có việc làm ổn định.
Xem thêm: mth.6542944181802202-oan-hcac-gnab-ihp-coh-maig-ed-uht-nougn-gnad-ad-coh-iad-gnourt/nv.ertiout