Đã có công ty du lịch được vay từ gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số công ty được tiếp cận gói này còn rất ít và gặp nhiều khó khăn. Đó là thông tin đáng chú ý nhất tại hội nghị kết nối các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp (DN) du lịch TP.HCM diễn ra ngày 18-8. Hội nghị do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM tổ chức.
Rất khó tiếp cận gói hỗ trợ
Nhiều công ty du lịch cho biết hiện ngành này đã có sự phục hồi tốt với cả thị tường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi, các công ty vẫn gặp khó khăn về vốn.
Bà Phạm Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, kể: Để có thể cầm cự và vượt qua dịch bệnh, công ty phải dùng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn ngân hàng. Cụ thể, công ty đang thế chấp tài sản cá nhân để vay vốn tại hai ngân hàng BIDV và Vietcombank với lãi suất khoảng 10%/năm nhằm duy trì hoạt động của công ty.
Đại diện cácdoanh nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn để gói hỗ trợ lãi suất 2% đi vào thực tế. Ảnh: TL |
Thậm chí, có thời điểm công ty phải “vay nóng” để giải quyết cho những khoản chi cần thanh toán tiền mặt gấp. Nhờ đó công ty mới giữ được nhân sự và vận hành một cách trơn tru khi du lịch bước sang giai đoạn phục hồi.
“Hiện nay, qua trao đổi với ngân hàng thì được biết công ty chúng tôi đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước. Nhưng cái khó là chúng tôi không thể tìm đâu ra tài sản thế chấp để được vay vốn. Vậy làm sao để chúng tôi được hưởng chính sách hỗ trợ này?” - bà Phương Anh đặt câu hỏi.
Tương tự, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, cũng nêu khó khăn về nguồn vốn. Theo đó, hiện công ty có nhu cầu vay vốn để đầu tư phương tiện mới, cụ thể là xe buýt hai tầng mui trần và xe một tầng phục vụ du khách. Thế nhưng gõ cửa vài ngân hàng đều bị từ chối với lý do đã hết room tín dụng (hạn mức), cộng thêm với điều kiện vay quá khó khăn như phải chứng minh hoạt động kinh doanh có lãi trong hai năm gần nhất.
Tại hội nghị đã có 10 ngân hàng tham gia ký kết cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho 10 công ty thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành... Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 634 tỉ đồng.
“Tài chính với DN giống như mạch máu nuôi cơ thể, nếu việc tiếp cận vốn vay khó đủ đường như vậy thì chúng tôi không biết sống làm sao” - ông Luân thở dài.
Đại diện nhiều công ty du lịch khác cũng nêu rõ tài chính là đòn bẩy quan trọng đối với hoạt động DN, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Thế nhưng đến nay họ không thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% vì có nhiều rào cản. Ví dụ, các ngân hàng yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ, phải có tài sản thế chấp nhưng trong hai năm dịch đã thế chấp tài sản hết rồi. Hơn nữa, các công ty lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu…, mà các yếu tố này không thế chấp được.
Cần linh hoạt với từng doanh nghiệp
Trăn trở trước những khó khăn về vốn của các DN, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nêu quan điểm: Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tạo điều kiện cho các công ty du lịch giải tỏa cơn khát vốn để phục hồi, tiếp tục phát triển. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn với tỉ lệ đóng góp hơn 10% vào GRDP của TP.HCM. Tuy nhiên, các công ty du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt, nhóm DN lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến nhưng chưa đảm bảo điều kiện vay vốn mà nguyên nhân chính là không có tài sản tín chấp.
“Vì vậy, để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đi vào thực tiễn, chúng tôi đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng DN. Trong đó, các gói cho vay tín chấp cần dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các DN du lịch” - bà Hiếu nhấn mạnh.
Giải đáp về các khó khăn này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định: Ngân hàng thường xuyên theo dõi và tìm cách hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống. Mục tiêu của gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm là để hỗ trợ các DN phục hồi và tăng trưởng, thông qua hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay của ngân hàng và đúng đối tượng theo quy định thì mới được hưởng ưu đãi.
“Bởi nếu DN không đủ điều kiện vay mà phía ngân hàng vẫn cho vay tức là ngân hàng đã vi phạm quy định pháp luật, đồng thời cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu và ảnh hưởng đến nền kinh tế” - ông Lệnh nói.
Ông cũng cho biết nếu phát hiện trường hợp DN đủ điều kiện được vay theo gói ưu đãi lãi suất 2% nhưng cán bộ ngân hàng nào đó nhũng nhiễu, gây khó dễ thì NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ xử lý nghiêm.
Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Mới có 550 khách hàng được vay
Tại cuộc họp ngày 17-8 về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú dẫn báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại cho biết: Doanh số cho vay của gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ với lãi suất 2% cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh mới đạt gần 4.100 tỉ đồng, với gần 550 khách hàng được vay. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng mới đạt khoảng 1,02 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỉ đồng.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ sau ba tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất, dù NHNN và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng nhưng kết quả đạt được rất thấp, với tiến độ này thì việc giải ngân là rất khó khăn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… Qua đó xem “có vênh gì không?”, “có khắt khe hơn các quy định chung không?” để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh và triển khai giải ngân càng sớm càng tốt để hỗ trợ DN.
“Giao NHNN sớm thành lập một số đoàn công tác để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.