Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 7 đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021 - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Theo các dữ liệu mới công bố, việc giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh nhất trong 21 năm qua là động lực chính cho lạm phát cao tại Anh. Hóa đơn nhiên liệu trung bình của mỗi hộ gia đình Anh cũng đã tăng hơn 50% trong năm nay và được dự báo có thể đạt mức đỉnh 3.500 Bảng Anh/năm vào tháng 10 tới.
Ở chiều ngược lại, lạm phát tăng cao đã khiến mức tiền lương thực tế của người dân xứ sở sương mù trong quý 2 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm nhanh nhất trong vòng 20 năm. Lạm phát hiện đang là mối lo lớn nhất đối với người lao động.
Giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh nhất trong 21 năm qua là động lực chính cho lạm phát cao tại Anh. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
"Mỗi ngày tôi vào một cửa hàng và lại thấy một mức giá khác nhau. Một số cửa hàng bán rẻ hơn đôi chút, nhưng nói chung tất cả thật kinh khủng", người tiêu dùng Anh chia sẻ.
"Chúng tôi đã chứng kiến tình trạng người vô gia cư ngày càng nhiều hơn, khi họ không thể trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác", một người khác cho biết.
Chi phí leo thang cũng ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các lĩnh vực kinh doanh. Nhiều chủ doanh nghiệp đã tỏ ra lo lắng khi phải đối mặt với tương lai bất định.
"Chi phí đầu vào tại các trang trại sữa, chí phí dầu diesel, chi phí phân bón, chi phí thức ăn cho vụ đông đều tăng. Nếu bạn biết được mức độ lạm phát sẽ tăng đến đâu, bạn có thể ứng phó được, nhưng nếu không thể biết chắc, nỗi lo sợ sẽ kéo dài mãi", anh Daniel Lewis, chủ cửa hàng kem, cho hay.
"Sáu tháng tới sẽ rất khó lường, trong bối cảnh hạn hán sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, còn cuộc chiến tại Ukraine - rổ bánh mì của châu Âu sẽ khiến mọi thứ tệ hơn. Giá cả sẽ đối mặt với một loạt áp lực", ông Richard Walker, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Iceland Foods, nhận định.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cảnh báo, việc giá khí đốt tăng cao trong thời gian tới có khả năng đẩy lạm phát giá tiêu dùng lên 13,3% trong tháng 10. Điều này sẽ đẩy nền kinh tế Anh vào một cuộc suy thoái dự kiến kéo dài đến năm 2023.
Nhiều nhà kinh tế cũng cho biết lạm phát tăng cùng với tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ trong quý 2 sẽ làm Ngân hàng Trung ương Anh thêm quyết tâm tăng lãi suất mạnh hơn và nhanh hơn.
VTV.vn - Nhiều người Anh đang rút tiền mặt để nắm giữ với tốc độ kỷ lục như một cách để quản lý chi tiêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.59865700091802202-ohp-gnu-tav-tahc-hna-nad-iougn-gnaht-oel-ac-aig/et-hnik/nv.vtv