Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình kể rằng nhiều nhà báo khi đọc dự thảo pháp lệnh đã gọi điện cho ông chất vấn vì sao lại cấm ghi âm, ghi hình, livestream trong phiên tòa vì đó là quyền của nhà báo nhằm cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Ông giải thích: Đúng là nhà báo có quyền đó nhưng người khác cũng có quyền con người, được pháp luật Việt Nam và các nước bảo hộ.
Thực tế các bộ luật tố tụng dân sự, hành chính, nội quy phiên tòa của Việt Nam đều quy định rõ nhà báo, người tham dự phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa.
Quy định này có thể hiểu không phải cấm nhà báo, người dân ghi âm, ghi hình mà trước khi làm phải xin phép và được sự đồng ý từ chủ tọa, người tham dự phiên tòa.
Quy định cấm chụp ảnh, quay phim khi không được phép cũng có ở một bang tại Mỹ và nhiều nước khác. Một số quốc gia cũng yêu cầu dùng ký họa ở các phiên tòa thay cho quay, chụp và tự phát trực tuyến, không cho tự ý livestream.
Một số người cho rằng phiên tòa công khai, việc cho livestream là bình thường và không gây cản trở, ảnh hưởng đến phiên tòa. Có người cũng nêu việc sử dụng hình ảnh cá nhân có thể không cần sự đồng ý khi vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng...
Nhưng thực tế, với phiên tòa xử ly hôn, khi đương sự trình bày lý do chia tay, thống kê, phân chia tài sản mà tự ý phát livestream sẽ khó ai chấp nhận. Hay phiên tòa về tranh chấp hợp đồng, tài sản giữa các bên mà livestream rõ ràng vi phạm quyền bí mật cá nhân.
Tương tự vậy với các vụ án xâm hại nhân phẩm, nhân thân, nhất là với bị hại còn trẻ tuổi mà tự do livestream sẽ gây ảnh hưởng xấu cho họ về lâu dài.
Với các vụ án hình sự, bị cáo có thể bị hạn chế một số quyền nhưng còn người thân, người liên quan... Việc tự do livestream có thể gây nhiều hệ lụy cho người thân của họ.
Trong các vụ án hình sự nghiêm trọng, bị cáo có thể đưa ra lời khai không có căn cứ, gây bất lợi cho người khác nhưng nếu livestream rồi bị cắt, ghép một cách ác ý đăng tải lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng danh dự, uy tín của họ.
Người đăng sai có thể xử lý nhưng với người bị đưa sai đã phải chịu áp lực lớn, xáo trộn cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng sự nghiệp.
Mặt khác, tòa án là nơi nhân danh nhà nước để thực thi pháp luật nên cần đảm bảo trật tự, tôn nghiêm. Nếu tự do livestream sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm máy quay, điện thoại chĩa vào, gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử và tâm lý của bị cáo, người liên quan.
Một số ý kiến nêu việc ghi âm, ghi hình, livestream tự do có thể giúp người dân giám sát hoạt động xét xử. Ý kiến này cũng đáng lưu tâm.
Nhưng nếu hội đồng xét xử và các cơ quan tố tụng khác làm việc công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội thì việc livestream sẽ không còn cần thiết.
Và mục tiêu cao nhất, như lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc xử phạt hành vi ghi âm, ghi hình, livestream khi không được phép trong phiên tòa là nhằm bảo vệ quyền rất thiêng liêng: Quyền con người.
TTO - Dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng nêu: nhà báo ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý và phát trực tiếp trên mạng có thể bị phạt tới 30 triệu đồng.
Xem thêm: mth.41625923281802202-iougn-noc-neyuq-ev-oab/nv.ertiout