Lứa con cháu tôi bây giờ vẫn tò mò với thú vui bắt ếch - Ảnh: HÙNG ANH
Hồi trước, ếch sinh sống nhiều ngoài tự nhiên còn có tên gọi gà đồng, và lũ trẻ quê chúng tôi vẫn bày đủ trò để săn cho bằng được.
Mưa đầu mùa, đi soi ếch
Cuối tháng 5 đang nắng chang chang mà mây đen bất ngờ dồn về, tiếng trời gầm ầm ì xa xa. Lũ trẻ tụi tôi bỏ hết mọi thú vui, xúm nhau o bế sửa sang chiếc đèn soi, ngóng trời mưa xuống để đi bắt ếch.
Thời bao cấp, chiếc đèn soi chỉ là cây đèn dầu tù mù, để trong chiếc hộp chữ nhật không nắp làm bằng tấm thiếc mỏng, chỉ đủ soi sáng tới cỡ 2m.
Rồi những cơn mưa đầu mùa hè xối xả đổ xuống tầm 5- 6 giờ chiều, mặt ruộng ngập nước lấp xấp, trở thành nơi tụ hội hẹn hò của nhiều loài.
Chạng vạng mưa dứt hột, trời chưa tối hẳn mà lũ nhái bầu, nhái cơm, bù tọt (thân mình nhỏ hơn con ếch nhưng lớn hơn con nhái), ếch lớn ếch nhỏ đã đua nhau cất giọng đồng ca. Ếch đực lớn họng "ệch, ệch, ệch" rần trời, ếch cái như e lệ hơn chỉ kêu "quệt, quệt, quệt" nhỏ xíu.
Lúc này đã thấy Mười Liêu, thằng bạn học hàng xóm và là "chiến hữu" câu cá, bắt nhái, bắt ếch suốt những năm tháng tuổi thơ, tay xách đèn, tay cầm mũi chĩa, đến hối thúc tôi ra ruộng.
Trên ruộng, ánh đèn dầu đã chấp chới như sao sa, dòm đi dòm lại toàn là đám học trò được rời sách vở, hăng máu trong xóm. Nhưng đèn soi tới đâu, lũ ếch, nhái, bù tọt im tịt đến đó. Ếch tinh khôn nhảy xuống mấy cái mương nước sâu hoặc lủi vào chân vườn, trốn mất. Nhái cơm, bù tọt thì núp vô bụi cỏ, nằm im.
Nhưng đèn vừa đi qua, cả đám lại kêu vang rần như chọc quê tụi tôi. Quá 22 giờ đêm, tôi và Mười Liêu đứa nào cũng ướt ngoi, chân mỏi, mắt díp lại vì buồn ngủ, đành xách đèn đi về.
Chiến lợi phẩm phần lớn là nhái cơm, bù tọt, chỉ đủ nồi cháo hay ơ kho sả ớt sáng hôm sau. Mấy thằng trong xóm, có đứa may mắn chĩa được đôi ba con ếch bé tẹo, vậy mà cũng tự hào là "cao thủ".
Sau nhiều lần học hỏi từ người lớn, rốt cuộc tôi và Mười Liêu cũng biết cách bắt được nhiều ếch. Đầu hôm hai thằng ngủ khò cho khỏe, gần nửa đêm mới gọi nhau xách đèn ra ruộng.
Lúc này tiếng ếch không còn "ệch, ệch, ệch" vang đồng, đó đây chỉ nghe những tiếng kêu "cục, cục, cục" nho nhỏ. Lũ ếch say mê đến mức, tôi và Mười Liêu rọi đèn tới nơi mà tụi nó không thèm nhảy trốn, nằm im thin thít. Tụi tôi chỉ nhìn thấy cái lưng con ếch đực lớn bằng cổ tay là biết có con ếch cái thật bự chém vè bên dưới.
Lấy cái nơm cá bằng tre úp chụp cả đôi, bắt con ếch đực xong là lượm con ếch cái cho vào giỏ. Đi hết mảnh ruộng này đến dang đồng khác, chừng 3-4 giờ sáng tụi tôi xách giỏ đầy ếch quay về. Đám nhóc học trò quê xăng xái "khoe công" với ba má, và biết rằng sắp có bữa cơm ngon miệng.
Lúc mưa già, ếch đẻ xong rúc vào lùm bụi tạm trú; ruộng đã cấy lúa, không còn ai đi soi, tôi và Mười Liêu xách cần đi câu ếch. Nhấp ếch đang "tạm trú" trong các lùm bụi chỉ cần cây cần câu dài chừng 2m gắn lưỡi câu cá lóc, mồi là con dế hoặc mấy chú nhái nhỏ xíu.
Thấy lùm bụi, đám lục bình, rau mác nào khả nghi, tôi và Mười Liêu thả câu xuống nhấp. Ếch háu ăn, đang ngồi lim dim ẩn mình mà nghe cây lá động đậy thì thế nào cũng thò đầu ra táp cái phập, vậy là dính câu.
Nhưng lắm khi, có thằng giật cần lên thì trời đất ơi, đầu dây không phải là chú ếch mắc câu mà là con rắn nước da vàng điểm những đốm đen hay con rắn hổ ngựa sọc đen sọc vàng, hú hồn.
Lắm khi hai thằng trò quê nghỉ hè, rủ nhau đi cắm câu ếch lúc chạng vạng, sát mé mương, bờ ruộng. Mồi câu là cua, còng nhỏ hay con dế, khúc trùn hổ. Ếch đi ăn, nuốt mồi xong mắc câu ngồi đó chịu trận, tụi tôi chỉ việc đến gỡ bỏ vào giỏ, cười vang trời.
Nhưng nhiều lúc tôi và Mười Liêu phải chạy thục mạng, bởi đầu cần không phải con ếch mắc câu mà là con rắn đang phùng mang hù dọa.
Ở nông thôn, nhiều học trò cấp 3 vẫn ra ruộng đồng, giăng lưới, câu cá - Ảnh: HÙNG ANH
Mò mẫm săn gà đồng mùa nắng
Không chỉ ngày mưa mà cả những đợt nắng như đổ lửa mùa hè, ruộng đồng khô khốc, ếch ngồi trong hang sâu, tụi nhỏ nhóc học trò quê chúng tôi cũng có cách đi tìm miếng ăn cho gia đình và cũng là thú vui gần 100 ngày không rớ vô quyển tập.
Hồi đó muốn bắt ếch trong hang, tôi và Mười Liêu tìm xin sợi kẽm dài chừng 3m, loại gỡ ra từ dây kẽm gai, đập cho thẳng, một đầu mài bén, uốn cong như chiếc lưỡi câu.
Có đồ nghề trong tay, hai thằng tôi giang nắng lội khắp các bờ mương vườn, mương rẫy, mắt đứa nào cũng láo liên nhìn ngó tìm hang ếch. Thấy cái hang nào có dấu con ếch trườn ra, trườn vô ướt nhẹp, chi chít vết chân có màng giống chân vịt, thì đoán chắc chú "gà đồng" đang ngồi thu lu bên trong.
Chỉ cần nhìn dấu chân là biết con ếch trong hang lớn hay nhỏ. Tôi nhẹ nhàng đưa cái móc vào hang, lựa thế kéo tới kéo lui, nếu thấy bị trì lại thì biết con ếch đã "dính chưởng". Lúc đó một tay tôi kéo nhanh cái móc ra khỏi hang, trong khi Mười Liêu hườm sẵn để con ếch vừa ló đầu là chụp cổ tức khắc, nếu không nó vuột móc nhảy ùm xuống mương là...công cốc.
Nhưng lắm khi hai thằng bị "tổ trác", thay vì kéo ra con ếch thì lại thấy một con rắn ló đầu phùng mang hù dọa. Hóa ra, con rắn chui vô hang xơi tái con ếch rồi nằm luôn trong đó nghỉ ngơi, khiến tụi tôi "sụp ao".
Lúc đó tôi và Mười Liêu mạnh thằng nào thằng nấy la làng, bỏ luôn cây móc, nhanh chân chạy thoát. Lúc quay lại, cây móc còn trơ trơ, con rắn đã bò đi mất biệt, hai thằng nhìn nhau ôm bụng cười nắc nẻ.
Nhưng tôi và Mười Liêu khoái nhất trò đi "long ếch". Chừng 2-3 giờ chiều, nước dưới rạch bắt đầu lớn, hai thằng ôm khư khư cây chĩa nhọn bằng sắt có ngạnh, loại chĩa đơn chỉ có một mũi, kéo nhau nhảy ùm xuống nước.
Hai đứa trầm nghịch dưới nước, lội dài theo bờ rạch. Lúc này mấy con ếch cụ, nhái cái (lớn như con ếch, bụng trắng, lưng đen) thấy nước lớn thì mò ra núp ở những đám lá mái dầm, ô rô, cóc kèn rậm rạp, rình rập chờ ăn những con còng bị ngập hang bò lên bờ.
Nói vậy chớ không dễ ăn, phải thiệt tinh mắt mới chĩa được ếch, nhái cái, bởi khi rình mồi da con vật tiệp màu với đất bùn, chỉ còn 2 con mắt đỏ lừ để nhận diện.
Bởi vậy mới có chuyện tôi căng mắt dòm dáo dác mà không thấy gì, trong khi Mười Liêu đi sau vài mét lại chĩa được cụ ếch tổ chảng. Nhưng lắm khi cả hai nhìn thấy cụ ếch, con nhái cái mập lù ngồi im không nhúc nhích.
Vậy mà lúc đưa cây chĩa gần tới nơi thì nó phóng cái ùm xuống nước, hai thằng tiếc ngẩn ngơ, thằng này đổ thừa thằng kia "tại mày làm động nên nó mới nhảy", rồi cười xòa, huề cả làng.
Mùa hè vẫn còn phía trước, tụi tôi tiếp tục "phá làng phá xóm" nhưng đem lại miếng ăn cho gia đình thời nghèo khó.
So học trò thời nay, lứa đến trường thập niên 1980 tụi tôi có nhiều thứ không bằng, nhứt là điểm số. Nhưng nhớ lại tụi tôi cũng có nhiều cái khéo tay mà trò nay chưa chắc đã biết. Mới nhỏ nhóc đã biết giang nắng, dầm mưa đi cắm câu, bắt ếch, móc cua, hái rau đồng kiếm miếng ăn cho gia đình.
Thậm chí ba má bận chuyện ruộng đồng, tụi học trò nhỏ xíu còn biết làm sạch ếch nhái để bằm ra nấu nồi cháo tiêu thơm lừng hay dĩa kho sả ớt ngửi mùi đã chảy nước miếng.
Trẻ thời nay phần lớn đủ đầy, vô cảm nhìn món ăn quê này. Tôi phải kể cho chúng nghe: "Chính những thứ lấm lem bùn đất ở bờ kinh, thửa ruộng đó đã cho ba má những mùa hè thật vui nhộn và ngon miệng, no lòng".
*************
Nếu mùa hè, học trò quê có thú vui ruộng đồng và kiếm thêm miếng ăn, thì trò nghèo ở thành phố cũng có nhiều thứ để làm thêm, phụ giúp cha mẹ.
>> Kỳ tới: Buông vở xuống là đi làm thêm
TTO - Với học trò lứa 8X đời đầu chúng tôi, được nghỉ hè là niềm hạnh phúc vì không phải lo dậy sớm đi học, không phập phồng bị gọi lên bảng dò bài, đặc biệt được hòa mình với ruộng đồng, được chơi thả diều. Nhiều đứa còn chăn trâu, giữ bò phụ ba mẹ.
Xem thêm: mth.53673913281802202-gnod-ag-nas-uahn-ur-9-yk-uad-id-iot-auc-eh-aum-ohc-me/nv.ertiout