Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: Tư liệu TTO
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại cuộc làm việc của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với y bác sĩ và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, một trong những nội dung được bạn đọc quan tâm là thu nhập của y bác sĩ.
Nêu ý kiến tại đây, nhiều y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết mặc dù là bệnh viện hạng đặc biệt, công việc nhiều nhưng phụ cấp trực của y bác sĩ chỉ là... 115.000 đồng/ca, phụ cấp phẫu thuật chỉ 150.000 đồng/ca...
Trong thời gian từ năm 2021 đến nay có 172 cán bộ nhân viên Bạch Mai nghỉ việc, chuyển việc, nguyên nhân chủ yếu do lương, thu nhập thấp, công việc căng thẳng vất vả.
Theo những bình luận gởi đến Tuổi Trẻ Online ngay sau đó, nhiều bạn đọc cho rằng phụ cấp như vậy là không hợp lý. Thậm chí có bạn đọc còn so sánh: "Phụ cấp kém xa thu nhập thợ hồ".
Không tin đó là sự thật, bạn đọc tên Trung tỏ ra ngạc nhiên: "Có gì sai chăng? Tôi đi khám bệnh, tiền khám đã 150.000 đồng rồi".
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến phụ cấp bèo bọt, một số bạn đọc cho rằng có thể là do phân phối thu nhập của bệnh viện nói riêng và ngành y tế không công bằng mới dẫn đến tình trạng này, chứ chi phí khám, điều trị hiện nay không hề rẻ.
Về ý này, bạn đọc Nguyen Viet Nam viết: "Chi phí khám và chữa bệnh so với thu nhập của người lao động Việt Nam không hề rẻ đâu. Nếu tiền đến tay bác sĩ, y tá thấp thì nguyên nhân là do phân phối thu nhập y tế không công bằng mà thôi".
Cụ thể hơn, bạn đọc Minh Phúc bổ sung: "Tôi nghĩ là do cơ chế của bệnh viện thôi, chứ vô khám chưa được 10 phút đã phải đóng cả trăm nghìn rồi, chưa kể thuốc men mỗi lần đi khám 500.000 - 600.000 đồng là chuyện bình thường".
Và cho dù với bất cứ lý do gì đi chăng nữa, theo các ý kiến bình luận thì đây là điều bất hợp lý, cần nên xem xét lại để tìm ra phương cách thay đổi cho phù hợp.
"Công dùi mài kinh sử bao nhiêu năm, ra trường ca trực được 150.000 đồng. Áp lực đủ đường, thử hỏi lấy gì ăn để làm? Sao ổn định đời sống?" - bạn đọc tên Trọng viết.
Theo bạn đọc này, những người bán hàng online có thể chỉ cần bỏ ra 1 - 5 phút là đã bán được một mặt hàng và kiếm ra bằng số tiền này.
Để các bệnh viện công không bị tình trạng chảy máu chất xám, thu hút những y bác sĩ giỏi, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải thay đổi cả về mức lương cũng như chế độ đãi ngộ.
"Tăng phụ cấp cho ngành y, đồng thời cũng tha thiết mong ngành y củng cố, chấn chỉnh minh bạch hơn trong thu chi kinh phí hoạt động. Bởi lẽ thực tế có nhiều bệnh viện thu phí khám bệnh, viện phí không phải là thấp nhưng trái lại phụ cấp cho nhân viên y tế, bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh còn thấp" - bạn đọc Nguyễn Phong Phú viết.
Là người trong cuộc, bạn đoc Tuân viết: "Tôi là bác sĩ. Trong suốt nhiều năm qua, tôi thấy được ý nghĩa của công việc mình đang làm, nhiều khi vượt hơn những mối quan tâm khác. Chúng tôi đã từng ở nơi đầu sóng ngọn gió, bệnh nhân khi vào đã tiên lượng dè dặt, hội chẩn dăm bảy lần các chuyên khoa, điều trị suốt nhiều tháng thì cải thiện một cách ngoạn mục. Khi đó, tôi mới thấy, để cứu được một người là cả một quá trình, đó là một sự kỳ diệu từ tri thức của cả một êkip. Nghề này là tích lũy từ rất nhiều yếu tố".
Và cũng theo bạn đọc Tuân, chính vì nghề này quá khác biệt, cần quá nhiều đòi hỏi mà chuyện đồng lương lại trở nên đầy trăn trở, chưa xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Đó là một lý do vô cùng chính đáng.
Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Dtuan bổ sung: "Nghề y và nhiều nghề đào tạo ra tốn kém, đi làm còn dùi mài rất lâu mới vững vàng cứng cáp nhưng thu nhập không tương xứng là không thể chấp nhận trong xã hội phát triển. Nhìn ra nước ngoài, các chuyên gia, người làm chuyên môn lương rất cao".
Ngoài chuyện lương, chế độ đãi ngộ tốt hơn để đội ngũ y bác sĩ toàn tâm toàn ý cống hiến, một số bạn đọc cũng hiến kế cho ngành y để phát triển.
"Thu hẹp các bệnh viện công lại, tập trung đầu tư những nơi trọng yếu mà tư nhân không có khả năng làm, như các bệnh viện tuyến đầu hay ở vùng xa xôi hẻo lánh. Còn lại nên để cho tư nhân làm thay thế Nhà nước sẽ tốt hơn" - một bạn đọc đề xuất.
TTO - Tôi dám khẳng định hầu hết những người làm ngành y tế không phải vì eo hẹp tiền lương mà quyết định bỏ việc. Chắc chắn trong ngành y tế ít ai nói rằng vì lương thấp mà tôi không muốn làm, vì lương thấp mà tôi cần thay đổi.