Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm việc với UBND huyện Củ Chi - Ảnh: THẢO LÊ
Chiều 19-8, đoàn công tác TP.HCM do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn đầu đã làm việc với UBND huyện Củ Chi về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022 và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của huyện Củ Chi.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi, từ đầu năm đến nay, huyện đã đạt 9/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định. Thu ngân sách nhà nước của huyện đạt 114%.
Các tháng cuối năm, huyện Củ Chi phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tập trung triển khai dự án vành đai 3, xây dựng huyện Củ Chi thành thành phố trực thuộc TP.HCM, xây dựng đô thị thông minh...
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đã biểu dương những kết quả mà huyện Củ Chi đạt được trong giai đoạn kiểm soát dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị huyện Củ Chi tập trung thực hiện và đạt được những chỉ tiêu đề ra, chuẩn bị điều kiện để tăng tốc phát triển trong năm 2023.
Cụ thể, ông Mãi đề nghị huyện Củ Chi tập trung giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, góp ý cho công tác quy hoạch.
Bên cạnh đó, địa phương này cần phối hợp với các sở ngành liên quan để tập trung giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 3. Theo ông Mãi, việc chuẩn bị mặt bằng sạch, đúng thời gian là yếu tố quyết định cho tiến độ của dự án này.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn huyện. Khi giao thông thông thoáng sẽ khơi thông được nguồn lực phát triển của địa phương này.
Về đề án phát triển huyện Củ Chi lên thành phố trực thuộc TP.HCM, ông Mãi cho biết hiện nay chỉ đang dừng lại ở việc nghiên cứu. Tuy nhiên ông Mãi cho rằng địa phương này nên tư duy phát triển đô thị theo cụm, không nên tách riêng với khu vực lân cận. Nếu nhìn theo hướng phát triển TP.HCM thành thành phố đa tâm thì Củ Chi nằm trong một cụm đô thị phía Tây Bắc.
"Phải tính tới việc nếu Củ Chi là vùng đô thị phía Tây Bắc thì có vai trò với miền Đông, miền Tây như thế nào. Củ Chi là một cửa ngõ rất quan trọng để TP.HCM giao tiếp với vùng miền. Khi góp ý cho quy hoạch phải tư duy rộng lên", ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, địa phương này phải quan tâm phát huy các lợi thế về đất đai, về các điều kiện tự nhiên. Hiện đất nông nghiệp ở Củ Chi còn 61% thì định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới thế nào. Ông đề nghị loại bỏ tư duy chuyển đất nông nghiệp sang đất đô thị, phải giữ lại cơ cấu nông nghiệp để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có giá trị cao.
Về phát triển du lịch, chủ tịch UBND TP.HCM gợi ý huyện Củ Chi phát triển du lịch hòa bình. Ông cho rằng phát triển du lịch như thế nào để du khách yêu chuộng hòa bình nói đến Củ Chi là nghĩ về những truyền thống cách mạng hào hùng, ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Thông tin về dự án Sài Gòn Safari trên địa bàn huyện Củ Chi, ông Mãi cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng của thành phố. Trong đó, dự án này nằm trong danh sách 8 vụ việc lớn cần tập trung giải quyết. Sắp tới, phó bí thư Thành ủy sẽ làm việc với Củ Chi về vấn đề này. Thành phố đang giao các cơ quan chức năng để xử lý.
TTO - Bỏ ra hơn 1,5 tỉ đồng để mua đất phân lô tại huyện Củ Chi (TP.HCM) theo lời chào mời của công ty bất động sản (BĐS), nhiều người vỡ mộng vì đã 4 năm nhưng chưa có đất, còn khoản tiền tỉ đã đóng chưa biết khi nào lấy lại.
Xem thêm: mth.23805508191802202-muc-oeht-iht-od-neirt-tahp-uuc-neihgn-ihc-uc-iam-nav-nahp-hcit-uhc/nv.ertiout