Người lao động tìm việc lương cao, đãi ngộ tốt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Hội nghị phát triển thị trường lao động bền vững
Sáng nay 20-8, hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ đến các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp, bộ ngành chia sẻ kinh nghiệm, phương án để xây dựng thị trường lao động bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động, gắn kết nhu cầu địa phương - doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Theo một số chuyên gia về lao động, đây cũng là dịp để nhìn lại các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn do dịch COVID-19 và hỗ trợ việc làm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết quy mô thị trường lao động hiện nay khoảng 51,4 triệu người.
Xuất khẩu cá tra giảm ở thị trường lớn, tăng ở thị trường nhỏ
Thu hoạch cá tra tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong tháng 7 đạt 186 triệu USD, thấp nhất trong 7 tháng đầu năm nay.
Đối với thị trường lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam), xuất khẩu cá tra đạt đỉnh 113 triệu USD vào tháng 4, nhưng tới tháng 7 giảm còn 44 triệu USD. Thị trường lớn kế đến là Mỹ (chiếm 24% giá trị xuất khẩu cá tra) với xuất khẩu cá tra đạt mức 81 triệu USD vào tháng 4, nhưng chỉ còn 32 triệu USD trong tháng 7.
Trong khi đó các thị trường nhỏ hơn lại tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể như thị trường Mexico vẫn giữ được tăng trưởng cao 87% trong tháng 7; thị trường Brazil và Thái Lan đều tăng lần lượt 40% và 34% so với cùng kỳ 2021.
Ngoài ra, một số thị trường nhỏ khác có bứt phá trong nhập khẩu cá tra Việt Nam như Canada, Hong Kong, Úc, Singapore, Philipinnes…
Hiện xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 7 tháng đã đạt mức hơn 1,5 tỉ USD, gần bằng xuất khẩu của cả năm 2021.
Dữ liệu người dùng Internet tại Việt Nam sẽ được lưu trữ từ 1-10-2022
Theo nghị định 53/2022/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng, các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm:
Dữ liệu về thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;
Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra như: Tên tài khoản, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký;
Dữ liệu về quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như: Bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối/tương tác.
Đối tượng phải lưu trữ các dữ liệu trên bao gồm: các doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thuộc một trong các lĩnh vực sau: dịch vụ viễn thông; cung cấp tên miền; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử...
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-10-2022.
TP.HCM tổ chức Hội thảo quy hoạch giao thông
Giao thông TP.HCM hiện đang quá tải khi thường xuyên xảy ra ùn tắc - Ảnh: LÊ PHAN
Trong hôm nay tại TP.HCM sẽ diễn ra Hội thảo quy hoạch giao thông nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 và các đồ án có liên quan.
Hội thảo cũng nhằm xem xét các ý tưởng mới, các nội dung đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đô thị thời gian qua của các chuyên gia, nhà khoa học.
Lắng nghe đề xuất của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về giao thông kết nối vùng, các nội dung mới của các đồ án quy hoạch ngành quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Qua hội thảo TP.HCM sẽ đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Từ đó làm cơ sở đưa vào Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 và các đồ án quy hoạch có liên quan.
Lãnh đạo TP.HCM làm việc với xã Thạnh An về biên chế
Sáng nay 20-8, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải sẽ có buổi làm việc với Đảng ủy xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) về vấn đề tổ chức xây dựng Đảng; khảo sát tình hình hệ thống chính trị. Đoàn lãnh đạo cũng sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới; thăm hỏi gia đình chính sách tại địa phương.
Trước đó, lãnh đạo Thành ủy cũng đã có các buổi làm việc tại các phường đông dân của TP.HCM để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương. Qua đó, thấy được hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn chung trong nguồn nhân lực của bộ máy tổ chức và quá tải đầu việc thời gian dài.
Di dời 120 tuyến xe đến bến xe Miền Đông mới
Sở Giao thông vận tải đề xuất di dời 120 tuyến xe đến bến xe Miền Đông mới - Ảnh: LƯU DUYÊN
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo đề xuất với Bộ Giao thông vận tải về đề xuất phương án chuyển toàn bộ 120 tuyến xe đang hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) theo 2 giai đoạn, trừ các tuyến có hành trình chạy xe qua quốc lộ 13 - đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ).
Việc này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bến xe Miền Đông mới.
Trước đó, bến xe Miền Đông mới đã chính thức hoạt động giai đoạn 1 kể từ ngày 10-10-2020 với 71 tuyến. Dự kiến đến tháng 1-2021, khi người dân quen dần với việc đi đến bến xe mới thì lượng xe và khách tại đây sẽ ổn định. Tuy nhiên đến nay bến xe mới vẫn đìu hiu, trong khi tại bến xe cũ lượng khách vẫn khá đông.
50% ca COVID-19 tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy chưa tiêm vắc xin
Các bác sĩ theo dõi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại cuộc họp của tổ tư vấn chuyên môn hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng được Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức chiều 19-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 trở lại đã rõ ràng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, từ ngày 10-5 đến 16-7 không có bệnh nhân COVID-19 điều trị, nhưng trong 1 tháng qua có 32 bệnh nhân (31 người nhập viện trong tháng 8), 19 trong số này ở mức độ nặng, nguy kịch, đã có 6 ca tử vong.
Tại các bệnh viện như Trung ương Huế, Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đang có hàng chục ca thở máy. Những ngày gần đây có 4 ca tử vong tại 2 bệnh viện này.
"Hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vắc xin COVID-19 chiếm 23-25% ở các tuyến. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỉ lệ tử vong chưa tiêm vắc xin là 50%" - Thứ trưởng Sơn cho biết.
Với các biến chủng mới xuất hiện, ông Sơn đề nghị các bệnh viện phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur theo dõi biến thể, biến chủng ở các ca bệnh nặng và tử vong, đề nghị các địa phương đánh giá lại nhân lực, thiết bị, vật tư hóa chất, chuẩn bị mô hình 4 tại chỗ. Hiện tại Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập mô hình bệnh viện dã chiến.
TTO - Tình trạng xe dù, bến cóc diễn ra phức tạp tại các tuyến đường, cây xăng hướng về bến xe Miền Đông mới được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ế khách ở bến này.