Nỗi lo mất tài sản, nguy hiểm tính mạng
Gần 1 tháng trôi qua nhưng ông Ngô Đức Thanh (sinh năm 1977), người lao động ở phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương vẫn chưa hết sợ hãi khi bị trộm khóa cửa phòng trọ, lấy đi chiếc xe máy. Tối ngày 20/7, vợ, con ông ngủ trên gác, còn ông thì nằm dưới trông 2 chiếc xe máy và mở hé cửa phòng trọ cho mát. Đến khoảng 2h sáng ngày 21/7, ông giật mình tỉnh giấc thì thấy cửa phòng đóng kín, chiếc xe wave dựng bên cạnh “không cánh mà bay”. Hốt hoảng, ông đẩy cửa đi tìm nhưng không thể mở vì bị khóa bên ngoài. Nghe tiếng kêu, chủ trọ xuống xem, phát hiện 6 phòng trọ đều bị cột dây, khóa bên ngoài, ổ khóa cửa dãy trọ bị cắt đứt. Sự việc sau đó được trình báo công an địa phương.
Ông Ngô Đức Thanh than thở: hai vợ chồng và con trai rời Bình Định vào Bình Dương xin việc làm mới được 2 tháng. Bao nhiêu tiền tiết kiệm đã bỏ ra mua xe để con có cái đi làm nhưng giờ bị trộm lấy mất: “Mỗi người đi làm một nơi nên tôi mua cho con trai chiếc xe, giờ đi được mấy buổi bị trộm mất đành phải đưa xe của mình cho con. Giờ hai vợ chồng đành đi bộ và không biết khi nào mới mua lại được chiếc xe khác. Thật sự, đối tượng trộm cắp rất tinh vi. Tôi đã khóa cửa phòng nhưng vẫn mất thì không biết sau này phòng tránh ra sao".
Cũng như ông Thanh, hàng chục công nhân ở Bình Dương đang bất an mỗi ngày khi bị trộm đột nhập ăn cắp tài sản. Không chỉ cạy cửa trộm cắp, các đối tượng còn manh động đến nỗi ngang nhiên giật dây chuyền, điện thoại của người đi đường. Nhiều trường hợp còn "đá nóng" xe máy của người dân đang dựng trên vỉa hè và khi bị phát hiện thì dùng hung khí, hơi cay chống trả. Do đó, người dân, công nhân luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi ra khỏi nhà.
Bà Nguyễn Thị Trân, ở thành phố Thuận An cho biết, với công nhân thì chiếc xe máy, laptop hay một vài chỉ vàng là tài sản rất lớn, phải tích góp nhiều năm. Mất của khiến nhiều người rơi vào trạng thái buồn khổ.
Bà Nguyễn Thị Trân mong muốn: "Chúng tôi rất hoang mang. Ban đêm ngủ cũng không yên vì lo sợ mất đồ. Mong lực lượng công an có biện pháp chứ như hiện tại quá nhiều vụ trộm cắp, giật đồ. Nửa đêm thì ăn trộm còn ban ngày thì giật đồ".
Nỗ lực trấn áp tội phạm
Theo Công an tỉnh Bình Dương, tình hình trộm cắp trên địa bàn có tính chất phức tạp như hiện nay là do nhiều nguyên nhân. Nhiều đối tượng mất việc làm sau dịch Covid-19 dẫn đến thiếu tiền nên đi trộm cắp. Một số thanh niên ăn chơi, nghiện ma túy dẫn đến thiếu tiền, sau đó rủ rê, tụ tập trộm cắp. Ngoài việc lợi dụng lòng tin, sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối, tìm cách đột nhập vào nhà của bị hại để lấy trộm tài sản.
Để giữ gìn an ninh trật tự, hiện nay công an các xã, phường, thị trấn ở Bình Dương đang tăng cường tuần tra vũ trang, mở các đợt cao điểm và kiểm tra các tụ điểm kinh doanh có điều kiện để phát hiện đối tượng nghi vấn. Mặt khác, công an cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác trước các thủ đoạn. Một số địa phương còn thành lập các tổ xung kích phòng chống tội phạm ở các khu phố thường xuyên tuần tra, phát hiện các đối tượng khả nghi để kiểm soát.
Trung tá Hà Thanh Long, Trưởng Công an phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một- một trong những địa bàn đông dân nhập cư cho biết, hiện nay khó khăn nhất là tuyên truyền đến công nhân cảnh giác trước tệ nạn trộm cắp, bởi họ đi làm suốt nên phải có biện pháp linh hoạt: “Trước những hạn chế này, công an phường có trang zalo giữa các khu phố. Khu phố sẽ có nhiệm vụ kết nối với chủ nhà trọ để thông tin đến người ở trọ, kịp thời chuyền tải thông tin, thông điệp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp trong nhân dân. Từ đó, người dân trực tiếp chuyền thông tin cho nhau để nâng cao giải pháp phòng ngừa”.
Quân số công an ở các địa phương mỏng trong khi phải thực hiện nhiều phần việc, do đó việc lắp đặt camera an ninh được xem là giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa, trấn áp tội phạm ở Bình Dương. Hiện nay, Bình Dương đã lắp đặt 3.180 camera ở các ngã ba, ngã tư thuộc các tuyến đường của xã, phường, thị trấn và các tuyến liên xã, phục vụ hiệu quả cho việc theo dõi tình hình an ninh trên các tuyến đường. Lực lượng chức năng đã vận động người dân, tổ chức tự lắp đặt thêm gần 23.700 camera tại nhà dân, khu trọ và doanh nghiệp.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, sau 2 năm triển khai, mô hình camera an ninh đã cung cấp cho lực lượng công an hàng nghìn tin tức có giá trị, giúp phá nhiều chuyên án và bắt giữ nhiều đối tượng gây án. Đại tá Trần Văn Chính nhấn mạnh hiệu quả của mô hình camera an ninh: “Lắp đặt hệ thống camera để người dân tự phòng, tự quản tài sản của mình. Các đối tượng phạm tội khi hoạt động phạm tội trên đường phố thì nhìn thấy camera cũng không dám thực hiện; đồng thời hỗ trợ công an rất nhiều trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm”
Bên cạnh nỗ lực của lực lượng chuyên ngành, Công an tỉnh Bình Dương cũng khuyến cáo người dân cảnh giác, tự bảo vệ tài sản. Khi phát hiện bị mất trộm, người dân phải nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất, để kịp thời điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng./.
Xem thêm: vov.245469tsop-gnoud-hnib-o-pac-mort-gnart-hnit-gnod-oab/taul-pahp/nv.vov