Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP
Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 20-8, nhiều ý kiến hiến kế phát triển thị trường lao động đã được đưa ra.
Ông Phạm Tấn Công, chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết công nhân, lao động phổ thông là đối tượng doanh nghiệp dễ tuyển dụng nhất (62%), trong khi nguồn lao động chất lượng cao như kế toán, cán bộ kỹ- thuật, giám đốc điều hành rất khó tuyển.
Việc này ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nguy cơ mất dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau dịch COVID-19.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đề nghị Chính phủ có những quy định hướng dẫn đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp - Ảnh: VGP
Kỹ năng và năng lực còn thấp
Nhấn mạnh dân số vàng nhưng chất lượng lao động chưa phải là vàng, đại diện VCCI kiến nghị cần có kéo dài chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như chính sách đào tạo lại; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi đào tạo nội bộ, đào tạo lại cho người lao động.
Dẫn chứng từ đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam, trong bối cảnh COVID-19, mức độ phù hợp làm việc từ xa của lao động Việt Nam chỉ chiếm hơn 86%, điều này dẫn đến việc khả năng đáp ứng của lao động trong điều kiện làm việc mới khá thấp.
Đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam: Lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp - Ảnh: VGP
Tỉ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỉ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, nên sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế.
Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).
Từ những số liệu trên có thể thấy, lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB): Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu
Tỉ lệ lao động sử dụng tiếng Anh chỉ 5%
Đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) đề cập tới việc Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về nhân lực sau đào tạo trong khi vị trí của Singapore là 19.
Tỉ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập trung bình trong khi thị trường đòi hỏi người lao động ngày càng phải có kỹ năng cao hơn. Đại diện World Bank kiến nghị mối liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề…
Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường (bìa phải): Doanh nghiệp phải chuyển đổi đáp ứng xu thế mới của nhân lực trong thời gian tới - Ảnh: VGP
Còn theo Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Dẫn lại một báo cáo cần 40.000 nhân viên, người lao động có trình độ thì các nhà trường mới đáp ứng được 15.000 người.
Cùng với đó, chi phí lao động tăng nhanh, tính thích ứng chưa cao, khoảng 90% doanh nghiệp đối mặt với ứng viên chưa phù hợp. Ứng viên yêu cầu hình thức làm việc linh hoạt, địa điểm, chuyển dịch việc làm ở công ty cố định sang làm việc tự do…
Đại diện tập đoàn này nêu kiến nghị có chính sách ưu đãi thuế cụ thể, giải pháp hạn chế mất cân đối cung cầu giữa các địa bàn. Lấy ví dụ đầu tư các tổ hợp, công trình ở vùng sâu vùng xa, ngoài cạnh tranh nguồn lao động thì còn khó khăn ở cơ sở hạ tầng.
Có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội cho người lao động, mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, khuyến khích đầu tư công nghệ cho chuyển đổi số…
Hiệu quả từ mô hình doanh nghiệp liên kết với trường đào tạo
Tổng giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài cho hay, trong giai đoạn 2022-2025, THACO có nhu cầu nhân sự tăng 15%/năm, tức là khoảng 9.000 - 10.000 việc làm/năm.
Do đó, để đảm bảo THACO chú trọng tuyển dụng tại địa phương, chủ động đào tạo, huấn luyện, thường xuyên phát triển nhân sự, kiện toàn và nâng cấp quản trị nhân sự đáp ứng chiến lược sản xuất, kinh doanh từng giai đoạn.
Tổng giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài đề xuất các giải phát phát triển thị trường lao động - Ảnh: VGP
Cụ thể, từ năm 2010, THACO đã thành lập trường cao đẳng nghề để chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng các ngành nghề: Công nghệ ô tô, điện cơ khí, điện công nghiệp, bảo trì thiết bị cơ điện, công nghệ thực phẩm… với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm.
Phối hợp Sở Giáo dục - đào tạo trên địa bàn để định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, liên kết trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo; tuyển dụng chuyên gia từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử. Gắn với hoàn thiện chính sách, chế độ, xây dựng và phát triển môi trường làm việc văn hoá...
TTO - Sáng nay 20-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, nhằm khai thông các điểm nghẽn về nhân lực cho phát triển đất nước.