Trẻ em TP.HCM được tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để hoàn thành mục tiêu tiến độ tiêm trong tháng 8-2022, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, bà Nguyễn Thị Liên Hương, thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo tăng cường công tác tiêm chủng và phòng chống dịch khu vực miền Bắc được tổ chức vào ngày 19-8.
Theo Thứ trưởng Hương, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ở nước ta được triển khai thành công, hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%.
Thời gian qua, các địa phương đã rất nỗ lực triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho gần 50 triệu người từ 18 tuổi trở lên đạt 75% mũi 3, triển khai tiêm liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19 cho 8,7 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin đạt 78%.
"Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương đạt tỉ lệ tiêm chủng cao vẫn có nhiều tỉnh tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cho người lớn vẫn còn rất thấp dưới 60% đối với mũi 3 và mũi 4 có tỉnh mới đạt 40%, tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dưới 60% và có nhiều tỉnh tỉ lệ tiêm chủng mũi nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ở mức dưới 20%" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.
Trong số này, với mũi 1, Đà Nẵng mới đạt 48,6%, Quảng Nam 49,3%, Bình Thuận 58,7%, TP.HCM 53,1%, Bình Dương 60,6%.
Với mũi 2, Đà Nẵng mới đạt 19,3%, Quảng Nam 16,7%, Khánh Hòa 27,1%, TP.HCM 30,6%, Bình Dương 27,2%.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các khu công nghiệp triển khai tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 cần đạt tỉ lệ cao trên 90% để đảm bảo miễn dịch, duy trì liên tục của công tác sản xuất, phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, ngành y tế các địa phương phối hợp với ngành giáo dục rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho các cháu để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông về lợi ích, tính an toàn của mũi tiêm nhắc, các địa phương sử dụng tăng cường truyền thông cho người dân tích cực hưởng ứng tiêm các mũi nhắc vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo miễn dịch cộng đồng, tăng cường quản lý, điều phối vắc xin để đảm bảo sử dụng hiệu quả vắc xin.
Theo Thứ trưởng Hương, trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, một số dịch bệnh truyền nhiễm đang có diễn biến khó lường, đặc biệt là những bệnh có nguy cơ xâm nhập và gây dịch tại Việt Nam.
Từ tháng 5-2022 đến nay dịch đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc lẫn số quốc gia ghi nhận. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhiều nơi cả trong lẫn ngoài nước.
"Để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới đòi hỏi sự chủ động, tăng cường trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là hoạt động giám sát ngăn chặn tại cửa khẩu, phát hiện sớm tại cộng đồng, tại cơ sở y tế và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh. Chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
TTO - Sở Y tế TP.HCM cho biết có 2 lý do chính khiến phụ huynh không cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là sợ vắc xin gia hạn (19%), sợ trẻ bị tác dụng phụ của vắc xin (13%).