"Tối hôm qua cả nhóm không ai ngủ được vì quá ám ảnh. Tôi cứ nhắm mắt lại là thấy nước ngập qua đầu, tai luôn vang tiếng gậy nhóm bảo vệ đánh đập người bị bắt lại", Đoàn Thị Ngọc Diệp (20 tuổi, quê Cao Bằng) nói với VnExpress, ngày 19/8.
Vợ chồng Diệp thuộc nhóm 40 người may mắn chạy thoát về Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tỉnh An Giang. Trong những người nhảy sông bỏ trốn khỏi casino thuộc xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom (tỉnh Kandal Campuchia), một người mất tích, một người bị bảo vệ sòng bạc bắt lại.
10h hôm qua, khu casino do nhóm người Trung Quốc quản lý nằm bên bờ sông Bình Di (ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, rộng khoảng 70 m) vang lên tiếng la ó, âm thanh gậy sắt choảng nhau. Đó là lúc Diệp và hơn 40 người chống trả những bảo vệ cao lớn của sòng bài, chạy ùa ra cổng.
Cuộc đào thoát được nhóm người Việt bàn bạc hai đêm liền. Họ chọn buổi sáng để thực hiện vì sòng bạc không đóng cửa, nhóm quản lý casino lơ là, chỉ tầm 7-8 người túc trực. Sau khi vào ca làm độ một tiếng, cả nhóm đồng loạt xông ra cửa. Đầu tiên, những thanh niên khỏe mạnh sẽ tấn công nhóm bảo vệ, phá vòng vây để nhóm thứ hai gồm phụ nữ từ phía trong xông ra. Cuối cùng là những thanh niên cầm bom xăng ném chặn đường bảo vệ, tạo cơ hội cho đồng hương có thời gian thoát thân.
Ban đầu bị bất ngờ, nhóm bảo vệ casino chưa kịp phản ứng. Nhưng chưa đầy một phút sau những tay lính vạm vỡ xuất hiện cùng gậy, thanh sắt, đánh đuổi nhóm người Việt đang chạy chối chết rồi nhảy xuống sông bơi về phía Việt Nam. Một người không may bị chúng bắt lại.
Trong nhóm có 7-8 người không biết bơi nhưng vẫn liều mạng nhảy xuống dòng nước chảy xiết do lũ thượng nguồn đổ về, cố gắng thoát sang bên kia. Họ được những người bơi giỏi kèm vào bờ. Hiện, 40 người được chăm sóc ở Nhà Văn hóa xã Đa Phước, huyện An Phú, và để cơ quan chức năng lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.
"4 tháng vợ chồng tôi bị lừa bán sang Campuchia làm việc trong casino chẳng khác gì địa ngục", Diệp kể. Ba năm trước họ sang Bắc Ninh làm công nhân nhưng lương không đủ sống. Hồi tháng 4, Diệp bàn với chồng tìm việc khác. Thấy thông tin tuyển dụng trên Facebook, Diệp tìm hiểu thì được môi giới mời gọi công việc lương thấp nhất 25 triệu đồng.
"Họ bảo công việc rất nhàn, làm việc trên máy tính, trong phòng lạnh", cô cho biết. Bị hấp dẫn bởi mức lương gấp bốn lần hiện tại, vợ chồng Diệp xếp đồ, lên ôtô theo chỉ dẫn của môi giới. Sau ba ngày di chuyển, 4-5 lần chuyển xe, hai người đã có mặt trên đất Campuchia. Từ thời điểm đó, vợ chồng Diệp bị chủ casino doạ nạt, bắt lao động cật lực.
Tháng đầu cô được đào tạo sử dụng nick ảo để mời gọi người khác tham gia game hẹn hò, dụ dỗ họ nạp tiền. Biết bản chất công việc lừa đảo nhưng Diệp không có lựa chọn khác bởi "nếu không làm sẽ bị đánh đập thậm chí đe doạ tính mạng". Nhiều tháng không đạt chỉ tiêu (kiếm được 300 triệu mỗi tháng cho chủ), cô bị doạ đưa lên tầng trên chích điện. Có ngày cô phải làm đến 14 tiếng, lê lết về phòng chỉ muốn lăn ra ngủ.
Lúc nhóm người Việt làm cùng casino bàn kế hoạch đào tẩu, vợ chồng Diệp lưỡng lự vì chỉ còn hai tháng nữa sẽ được thả về như chủ đã hứa. Nhưng nghĩ lại, Diệp thấy khả năng cả hai vợ chồng sẽ bị bán cho chủ khác, tình huống tệ hơn có thể chết trên đất khách. Trước lựa chọn sinh tử, Diệp và nhiều người chỉ có ý niệm duy nhất "thà chết ở quê hương, chứ không chết trên đất người khác".
Cùng vượt biên với vợ chồng Diệp, anh Phạm Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi, khi mới sang Campuchia được quản lý casino cho giữ chức tổ trưởng, do thông thạo vi tính. Trước đây, Tuấn làm viên chức ở Gia Lai, sau đó chuyển sang kinh doanh tiệm game, bi da. Thừa nhận có chút "máu" cờ bạc trong người, anh vướng khoản nợ 500 triệu đồng.
Phần bị chủ nợ đòi siết, phần gia đình lục đục, thường xuyên bị mẹ la rầy, Tuấn liều nghe theo môi giới đi làm việc tại casino. "Họ không nói làm ở Campuchia đâu, chỉ nói làm ở Tây Ninh. Mình nghĩ làm ở casino thì có thắng có thua, chứ không nghỉ qua đây lừa gạt người khác", anh Tuấn nói.
Công việc đầu tiên Tuấn làm không đạt yêu cầu liền bị bán cho một chủ khác. Chuyển đến chủ thứ ba, anh trụ lại bốn tháng, công việc quản lý tương đối nhẹ nhàng, bắt đầu có tiền gửi về quê nhà. Tuy nhiên, bức xúc vì chủ casino bóc lột lao động người Việt, thường chửi mắng, tra tấn nên anh ấp ủ ý định bỏ trốn.
Gần đây, một lao động Việt bệnh nặng làm việc không đạt yêu cầu, chủ casino người Trung Quốc muốn bán đi. Tuấn thấy thương liền đại diện nhóm lao động, xin chủ casino thả người này về nước, tiền chuộc sẽ do những người còn lại góp mỗi người 50 USD. Tuy nhiên chủ sòng bài từ chối với lý do nhóm lao động còn nợ tiền, không có quyền đặt điều kiện.
Không thể thương lượng với chủ, anh Tuấn im lặng bỏ về, sau đó rủ những người cùng phòng lên kế hoạch trốn về nước. Từng người lẳng lặng sang các phòng bên cạnh tác động đều nhận được sự ủng hộ. "Ngoài người mất tích, người bị bắt, chúng tôi đang rất lo lắng cho số phận những người đã giúp sức cho chúng tôi trốn chạy", anh Tuấn nói.
Thời gian gần đây, nhiều người Việt bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc, bị bóc lột sức lao động, muốn về phải nộp 3.000-30.000 USD. Theo Bộ Công an, các cơ sở cưỡng bức lao động tập trung ở khu Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh. Sáu tháng đầu năm, Công an Việt Nam phối hợp nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép.
Ngọc Tài
Xem thêm: lmth.2851054-aihcupmac-o-cugn-aid-onisac-iohk-taoht-oad-couc/ten.sserpxenv