Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (thứ hai, thứ ba từ trái qua) trong cuộc trò chuyện Trăm năm sử Việt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hai sử gia hàng đầu miền Nam cùng mang họ Nguyễn, cùng sống qua hơn một thế kỷ vừa có cuộc trò chuyện đặc biệt trong chương trình "Trăm năm sử Việt" do tạp chí Xưa & Nay tổ chức sáng 20-8 tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Cuộc gặp gỡ với hai nhà nghiên cứu thu hút đông đảo nhân sĩ, trí thức TP.HCM cùng các bạn trẻ, sinh viên quan tâm sử học tham dự. Rất nhiều người từ Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang… cũng tìm đến buổi trò chuyện được nhiều người cho là "có một không hai" này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lịch lãm trong bộ vest xám - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã có những chia sẻ rất thẳng thắn, thân tình về niềm đam mê sử học từ thuở thiếu thời, về các nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, vua Gia Long, học giả Trương Vĩnh Ký, chuyện đặt tên đường phố... và cả câu chuyện "thời sự thế giới"…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư luôn chọn trang phục áo dài ở mỗi sự kiện. Ông chia sẻ một trong các bí quyết sống lâu là giữ cho lòng thanh thản, học theo tinh thần tri túc của nhà Phật - Ảnh: TỰ TRUNG
Những câu chuyện riêng nhiều dư vị cảm động về thuở nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư còn ngồi sửa xe đạp bên lề đường kiếm sống, hay nỗi mặc cảm về lai lịch cái tên "Đầu" mà cụ Nguyễn Đình Đầu cho là không giống ai, bí quyết giữ sức khỏe, cách để viết sử khách quan, không thẹn với lòng… cũng được hai ông chia sẻ một cách bình thản và dí dỏm, làm khán phòng thi thoảng lại vang lên tiếng vỗ tay hay cười ồ.
Hai nhà nghiên cứu ký tặng sách cho độc giả hâm mộ - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Nguyễn Đình Đầu hai lần nhấn mạnh chính phong trào yêu nước của giới trí thức Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM là bầu khí tinh thần đưa đến cuộc gặp gỡ này.
Theo quan sát của ông, lòng yêu nước đó chính là cái chung, là "sự gặp nhau" đáng ghi nhận nhất ở giới trí thức nước nhà, dù quan điểm có khác nhau thế nào.
Đông đảo độc giả các thế hệ tham dự buổi trò chuyện Trăm năm sử Việt - Ảnh: KHẢ LINH
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, TS Bùi Trân Phượng, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Nguyễn Hạnh đều bày tỏ sự ái mộ tấm gương sáng về lao động cho hậu thế của hai nhà nghiên cứu.
Luật sư người Mỹ Thomas Treutler (hiện đang theo học chương trình thạc sĩ lịch sử bằng tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) bày tỏ lòng cảm phục, cảm kích trước những đóng góp quý báu của hai nhà nghiên cứu họ Nguyễn - Ảnh: TỰ TRUNG
Đã đọc các công trình của hai tác giả, nhưng trực tiếp được nghe hai ông trò chuyện về cách thế đặt mình đứng vững trong dòng chảy gập ghềnh của thời đại, nhiều người tham dự càng thêm nể phục trước sự minh mẫn ở tuổi xưa nay hiếm, sự khoan dung trong tư tưởng, tấm lòng với đất nước và sự cống hiến không mệt mỏi của hai vị sử gia.
Cuộc trò chuyện thu hút không ít bạn trẻ tham dự - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ sau buổi trò chuyện: "Vui mừng thấy hai cụ vẫn khỏe khoắn, minh mẫn.
Cụ Đầu kể mình từ một cậu bé tráng bánh cuốn, tự học và say mê tham gia hoạt động xã hội và rồi nghiên cứu sử địa. Cụ Tư từ một thư ký nghèo, cần cù ở Phú Yên vào Sài Gòn vừa làm việc hành chính, vừa nghiên cứu lịch sử địa phương, viết sách khảo cứu.
Không chỉ dành cả đời để cống hiến cho nền sử học nước nhà, chuyện đời của hai cụ đều là tấm gương sáng cho con cháu! Người Sài Gòn và những người đọc sử không quên những trang sử trung thực và quý báu của hai sử gia chân thành, tâm huyết".
Các nhà báo ở TP.HCM xin chữ ký của hai tác giả - Ảnh: TỰ TRUNG
TTO - Một ông lão hơn trăm tuổi lướt web, sử dụng iPad và Macbook thuần thục. Hình ảnh đó gây ngạc nhiên với nhiều người. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng hiếm có hình ảnh tương tự.