Cô Lương Thị Hoa đứng lớp dạy học trò ở điểm bản Chà Lò, Trường tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Nhằm góp thêm một góc nhìn cho diễn đàn Công chức nghỉ việc hàng loạt, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này của bạn đọc Nguyễn Ngọc.
"Thời gian gần đây, có không ít người mưu sinh với nghề nhưng bất mãn và cáu gắt với chính nghề nghiệp đó. Đặc biệt, đối với nghề y và nghề giáo, nỗi chán chường cùng những bế tắc của họ sẽ vô tình biến thành áp lực nhồi nhét thêm những khó khăn, trở ngại trên hành trình chữa lành và trồng người.
Và tất nhiên, đối tượng "chịu đòn" không ai khác lại chính là người bệnh, là học sinh. Nỗi lo lớn nhất tôi đặt trọn vào nghề giáo.
Bọn trẻ mới lớp 1, lớp 2 đã phải ngày ngày cặm cụi bên trang vở học chữ, làm phép tính trong tiếng đe nẹt của giáo viên. Đòn roi cùng thái độ giận dữ của người thầy vô tình biến thành cơn ác mộng khiến các con sợ hãi việc học, sợ hãi việc đến trường mỗi ngày.
Học sinh lớp lớn hơn lại thắc mắc không hiểu vì sao các em mỗi ngày đều phải dỏng tai nghe thầy cô nói xấu nghề nghiệp, đồng nghiệp và trút những bực dọc lên đầu mình thay vì được học, được phát biểu, được say mê khám phá kiến thức, định hình năng lực, hình thành nhân cách. Đó là một sự bất công!
Một người thầy chán nản trong công việc làm sao có thể dành tâm trí để soạn giảng, mày mò phương pháp dạy học mới, kích thích được nguồn năng lượng sáng tạo trong lớp lớp thế hệ trẻ? Một người thầy mang phẫn nộ, uất ức lên bục giảng sẽ nhấn chìm học sinh của mình vào những tư tưởng bi quan, những lời nói đắng chát và những hành xử phản cảm!
Một vài hình phạt cá biệt trong thời gian qua như cô giáo lên lớp mấy tháng không nói một lời, cô giáo ép buộc học sinh uống nước giặt khăn lau bảng, cô giáo bắt học sinh nhận 230 cái tát… là những minh chứng rõ nhất cho những bức bối về áp lực nghề nghiệp dẫn đến phạt trò nhưng chẳng khác gì trút giận.
Người thầy thật sự đang bế tắc bởi vô số áp lực từ nghề nghiệp. Chương trình giáo dục nặng, sĩ số lớp quá tải, những cải cách liên tục về phương pháp giảng dạy, giáo án… khiến họ xoay vòng trong vòng vây của áp lực.
Bên cạnh đó là những kỳ vọng lớn lao mà xã hội và dư luận quàng lên vai người thầy: đào tạo thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên, vừa giàu trí tuệ vừa giàu nhân cách khiến hành trình dạy chữ - dạy người thêm gian khó.
Vậy mà cứ hễ người thầy có bất kỳ hành động nào, dù đơn thuần chỉ muốn uốn rèn trò vào khuôn nếp là y như rằng dư luận lại chực chờ "ném đá", lập phiên tòa "xử tội" khiến nhiều người thầy dần dà co mình lại trong "thế thủ", lên lớp cố hoàn thành vai trò dạy chữ và cứ thế biến thành "thợ dạy" đầy chua xót.
Rồi cả những nhọc nhằn trong hành trình mưu sinh bằng nghề tay trái, cố vớt vát thêm chút "mắm muối" cho bữa cơm ngọt lành, tần tảo lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến tâm ý không dành trọn cho nghề, cho bài giảng và cho sự tiến bộ hằng ngày của học sinh.
Tất cả như dồn nén những áp lực bủa vây khiến không ít nhà giáo tự nhấn chìm mình trong đau khổ của nghề nghiệp, cuộc sống. Một người thầy không tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc "trồng người" thì sao có thể truyền cho học sinh nguồn năng lượng tích cực để ham học hỏi, mê khám phá, phát triển năng lực, trau dồi phẩm chất?
Muốn trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc thì trước hết phải khiến người thầy hạnh phúc. Tôi nhớ một vị lãnh đạo ở TP.HCM đã phát biểu như thế cách đây chưa lâu. Và để biến giấc mơ hạnh phúc ấy thành sự thật thì cần sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận trong phương pháp giáo dục của cả 3 chân kiềng: nhà trường - gia đình - xã hội.
Quan trọng nhất vẫn là giúp nhà giáo cởi trói bớt những áp lực vô hình bủa vây từ gánh nặng cơm áo gạo tiền đến công việc chuyên môn, kỳ vọng của xã hội…".
Theo bạn, ngoài nguyên nhân lương không đủ sống, chế độ ưu đãi không cao, còn lý do nào khác khiến hàng loạt cán bộ, viên chức nhà nước xin nghỉ việc hàng loạt?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
TTO - Hai câu chuyện thạc sĩ Trần Xuân Tiến kể dưới đây góp phần lý giải vì sao môi trường làm việc ở cơ quan nhà nước không còn mặn mà với người trẻ, giỏi. Trong đó, có vấn đề cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu sự công bằng, minh bạch.
Xem thêm: mth.98795300111802202-ior-mal-yan-ehgn-nahc-iot/nv.ertiout