Thực tập sinh nước ngoài làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô ở Akitakata (Nhật Bản) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng thông tấn Kyodo News, đây là lần đầu tiên nhà chức trách Nhật Bản tổ chức một cuộc điều tra - khảo sát về vấn đề được xem là nhạy cảm và đau lòng này.
Cơ quan quản lý nhập cảnh Nhật Bản sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật tiến hành thu thập thông tin, phỏng vấn gần 500 thực tập sinh nước ngoài.
"Họ sẽ được hỏi xem có biết những trường hợp phụ nữ bị đưa về nước sau khi mang thai hoặc sinh con hay không", Kyodo News nêu nội dung cuộc điều tra - khảo sát.
Một số trường hợp cũng sẽ được hỏi liệu có nhận thức được quyền lợi của mình là có thể nghỉ phép khi mang thai và tiếp tục làm việc sau khi sinh con hay không cùng các quyền lợi khác.
Nhà chức trách sẽ chọn hỏi khoảng 490 người là thực tập sinh đến từ 7 quốc gia: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Kết quả sẽ giúp Chính phủ Nhật Bản có được giải pháp cho vấn đề.
Cuộc điều tra - khảo sát được tiến hành trong bối cảnh số vụ quấy rối và lạm dụng thực tập sinh nước ngoài ngày càng tăng.
Đã có trường hợp các thực tập sinh nữ bị buộc phải ký giấy đồng ý hồi hương nếu họ mang thai, điều này dẫn tới sự việc đau lòng hơn là bỏ rơi con vừa sinh vì sợ bị đuổi về nước và mất việc làm ở Nhật.
Luật của Nhật Bản quy định cơ hội việc làm bình đẳng cho nam và nữ, nghiêm cấm đối xử bất lợi với một cá nhân nào đó vì lý do họ sinh con hoặc mang thai. Theo Kyodo News, luật này cũng áp dụng với cả các thực tập sinh nước ngoài.
Nhật Bản giới thiệu chương trình thực tập sinh nước ngoài vào năm 1993, cho phép họ làm việc tối đa 5 năm tại các công ty Nhật với mục tiêu sử dụng các kỹ năng học được tại Nhật để đóng góp cho nền kinh tế nước nhà.
Tính đến cuối năm 2021, khoảng 276.000 người đã tham gia vào chương trình thực tập sinh, trong đó tỉ lệ cao nhất đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.
Theo dữ liệu từ nhà chức trách Nhật Bản, 637 thực tập sinh đã bị buộc phải nghỉ việc vì các vấn đề liên quan đến mang thai từ tháng 11-2017 đến tháng 12-2020.
TTO - Theo ghi nhận, số tiền bình quân mà các thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các công ty phái cử hoặc đơn vị môi giới, hoặc cả hai, là cao nhất, lên tới 688.143 yen/người (5.164 USD/người). Nhật Bản đang tìm cách giảm phí này.
Xem thêm: mth.70880053112802202-uab-oc-iv-coun-ev-ioud-ib-hnis-pat-cuht-neyuhc-cac-art-ueid-tahn/nv.ertiout