Nelly Krowolski (bìa trái) trong một lần điền dã - Ảnh: NGUYỄN TÙNG cung cấp
Thọ 77 tuổi, thì đến gần 60 năm Nelly Krowolski gắn bó với Việt Nam, đầu tiên là những cuộc biểu tình chống Mỹ ủng hộ Mặt trận giải phóng của sinh viên Pháp, sau đó thành đôi với đồng môn người Việt, những nghiên cứu khoa học liên quan đến quê chồng, và tình thân với những người bạn Việt, trong đó có gia đình tôi.
Nelly Krowolski vốn xuất thân từ một gia đình Ba Lan bình dân. Khi mới 3 tuổi, mẹ Nelly theo ông bà ngoại chị di cư sang Pháp kiếm sống. Cha Nelly là lính Mỹ gốc Ba Lan tham gia giải phóng nước Pháp năm 1945. Vì ít học ông nội chị đã ghi họ mình là Krowolski thay vì Kowalski là họ phổ biến của nhiều người Ba Lan nổi tiếng. Như vậy, theo nhà nghiên cứu xã hội học Nguyễn Tùng, Nelly vợ anh cũng là một sản phẩm của lịch sử!
Tình yêu của họ bắt đầu rất thú vị: Những năm đầu đại học, do sinh viên Việt Nam không ghi kịp lời giảng của các giáo sư, Nelly đã cho mượn sổ ghi chép, tặng họ các bản ghi nhờ mẹ mình đánh máy. Tình cảm cứ thế đầy lên qua việc học, việc tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam xảy ra hằng tuần trên đại lộ Saint-Michel.
Yêu anh, cô gái Pháp gốc Ba Lan đã chọn đề tài "Giải phóng phụ nữ ở Việt Nam" làm luận văn thạc sĩ. Đến năm 1970 họ có con dù chưa kết hôn - một chọn lựa phổ biến của giới trẻ phương Tây, và cũng do Nguyễn Tùng khăng khăng về nước sau tốt nghiệp. Không đám cưới nhưng bắt đầu cuộc sống gia đình, làm việc nuôi con vừa tiếp tục hoạt động cho hòa bình Việt Nam.
Rồi một sự kiện "ly kỳ" xảy ra: Cuối năm 1974 Nelly được Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp cử công tác 3 tháng ở miền Nam Việt Nam, trong lúc Nguyễn Tùng bị chính phủ Sài Gòn rút hộ chiếu vì "thân Cộng", không thể ra khỏi Pháp. Trong tình hình chiến sự nhiễu nhương, Nelly vẫn tìm cách ghé thăm gia đình anh ở Đà Nẵng, được ba má Nguyễn Tùng đón nhận bằng một đám cưới linh đình, không... chú rể (!), cô dâu Nelly cũng áo dài, khăn đóng, một mình bái lạy tổ tiên...
Khi tôi hỏi nếu phải thi vị cuộc sống của mình trong vài chữ, anh chị nói gì. Anh lập tức ngân nga: "Đến đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ, xanh cây thì về". Tôi cười đáp: "Nơi bình yên chim hót". Cười, bởi đây là tên truyện ngắn của Lý Lan tôi chuyển thể phim, và đẩy đưa sao Lan và Linh đều có chồng "mang yếu tố nước ngoài".
Quan hệ của họ quả đặc biệt: Do cùng học, cùng tranh đấu cho Việt Nam, cùng nghiên cứu về Việt Nam nên cả hai giống nhau về văn hóa, lý tưởng, sinh hoạt. Nelly rất chịu khó thích nghi với điều kiện sống thiếu thốn của quê chồng, đặc biệt trong những năm 1980. Đi điền dã ở Đường Lâm, Nelly đã cùng ở với bà con nông dân nhiều tháng, dù thật khó khăn với chứng đau lưng khi ngủ giường tre. Lúc quay "Mê Thảo - Thời vang bóng" ở Đường Lâm, tôi vẫn nghe bà con địa phương nhắc đến Nelly với sự cảm phục, yêu mến.
Từ năm 1989, anh chị tham gia hai chương trình hợp tác khoa học Pháp - Việt, nghiên cứu làng mạc ở châu thổ sông Hồng, và thành quả là 2 cuốn sách Pháp Mông Phụ, un village du delta du Fleuve Rouge và Le village en questions. Cuốn Mông Phụ, một làng ở Đồng bằng sông Hồng đã được dịch sang tiếng Việt và các bài đăng trong quyển Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, được Nhà xuất bản Tri Thức phát hành năm 2019 với tên Làng mạc ở châu thổ sông Hồng.
Nelly nói tiếng Việt chưa thạo, nhưng chị hiểu khá sâu văn hóa Việt, đặc biệt ẩm thực vốn là đề tài nghiên cứu chính của chị. Nelly ăn được tất cả các thứ mắm. Còn anh, sống lâu ở Paris, ảnh hưởng nhiều văn hóa Pháp nên giữa họ có sự dung hợp lớn, mà các bữa ăn gia đình chỉ là một thí dụ.
Với kiến thức và uy tín của mình, Nelly được giữ nhiều vị trí quản lý trong các định chế nghiên cứu khoa học Pháp - kể cả Hội đồng kinh tế và xã hội Pháp - nhưng nói về vợ, anh Nguyễn Tùng chỉ kết thúc tiểu sử chị như sau: "Nelly là một bà mẹ hiền, tận tụy với con không thua các bà mẹ Việt Nam". Tôi đồng ý với anh, nhớ thêm về chị như cô dâu Việt Nam tinh anh, tình nghĩa. Nhớ Chim hót nơi bình yên...
Cuốn sách nên đọc về làng xã Việt
Làng mạc ở châu thổ sông Hồng được đánh giá "là cuốn sách nên đọc để hiểu về làng xã nông thôn Việt Nam", "là dấu mốc quan trọng trong chặng đường nghiên cứu về làng xã Việt Nam".
Trả lời phỏng vấn khi tác phẩm Làng mạc ở châu thổ sông Hồng được giải Sách hay 2020 ở hạng mục Sách Nghiên cứu, đồng tác giả Nguyễn Tùng nói nhiều người không hiểu tại sao người Việt Nam chẳng những không bị Trung Quốc đồng hóa trong hơn ngàn năm Bắc thuộc, mà còn giành được độc lập dân tộc. Rằng phải chăng một phần không nhỏ là do từ xa xưa làng Việt đã được tổ chức rất vững chắc; và cũng chính do vậy, người Việt đã thành công trong cuộc Nam tiến kéo dài nhiều thế kỷ...
TTO - Sinh ra và lớn lên ở Baku - ranh giới địa lý giữa phương Đông và phương Tây, Ali và Nino vượt trên mọi sự khác biệt về nguồn gốc, tôn giáo, văn hóa, tính cách để nuôi dưỡng sự gắn bó từ thuở học trò trở thành tình yêu lứa đôi sâu sắc.
Xem thêm: mth.24931229012802202-teiv-coun-uad-gnan/nv.ertiout