Kiểm toán viên của Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, UpCOM: TIS).
Tại báo cáo này, kiểm toán đã đưa ra hai vấn đề ngoại trừ. Trong đó, vấn đề đầu tiên là dự án mở rộng Gang thép giai đoạn hai được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án kéo dài hơn với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành.
Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.
Do vậy, kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này đến các khoản mục như trả trước cho người bán dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, phải trả cho nhà cung cấp, chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án …
Vấn đề thứ hai là TISCO đã trích lập dự phòng liên quan đến chênh lệch tỉ giá tương ứng với mức 50% số lũy kế chênh lệch tỉ giá của Dự án được phản ánh lũy kế riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán tới 31/12/2020. Tuy nhiên, việc ghi nhận này không có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nếu công ty thực hiện ghi nhận theo công văn 15172 ngày 26/10/2015 của Bộ Tài chính thì số liệu so sánh 6 tháng đầu năm 2021 sẽ có thay đổi khi chi phí tài chính giảm 75,4 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng 10,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 64,81 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2022, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của TISCO là 3.137,86 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề khác, kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TISCO.
Trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, TISCO cho rằng, dự án cải tạo mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn 2, hiện tại Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.
Về chênh lệch tỉ giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty đã trích lập khoản dự phòng liên quan đến chênh lệch tỉ giá tương ứng mức 50% số lũy kế chênh lệch tỉ giá của dự án được phản ánh lũy kế riêng biệt trên bảng cân đối kế toán tính đến thời điểm 31/12/2020.
Tuy nhiên do không có hướng dẫn của Bộ Tài chính nên công ty đã điều chỉnh vào báo cáo tài chính năm 2021.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, TISCO ghi nhận doanh thu đạt 6.920,5 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 32,96 tỷ đồng, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 9,4% về chỉ còn 3,1%.
Trong khi đó, năm 2022, TISCO đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 6 tháng đầu năm, TISCO còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của TISCO tăng thêm 528 tỷ đồng lên mức 10.855 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh lên 2.048 tỷ đồng, tiền mặt giảm nhẹ xuống 222 tỷ đồng; đặc biệt chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn vẫn treo ở mức 6.192 tỷ đồng.
Đây là khoản đầu tư vào dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2, trong đó lãi vay vốn hoá là 2.951 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng 2022 là chi phí lãi vay vốn hoá.
Trong cơ cấu nợ, TISCO đang vay nợ tài chính hơn 4.519 tỷ đồng. Công ty phải ghi nhận chênh lệch tỉ giá hối đoái âm hơn 180 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của các khoản phải trả, nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TISCO âm gần 173 tỷ đồng.