Y bác sĩ làm việc tại Trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Bạch Mai điều hành đặt ở khu Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7, TP.HCM trong giai đoạn dịch còn phức tạp - Ảnh: TỰ TRUNG
Trước đó, tại cuộc làm việc của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với y bác sĩ và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, nhiều y bác sĩ phản ảnh phụ cấp trực của y bác sĩ hiện thấp và không tương xứng; nhiều người đã phải nghỉ việc, chuyển việc do lương, thu nhập thấp, công việc căng thẳng, vất vả.
Thông tin này khiến nhiều bạn đọc bất ngờ bởi thực tế hiện nay tiền khám bệnh và viện phí không phải là thấp, vậy vì sao tiền trả cho bác sĩ lại ít ỏi như vậy? Trong khi đó, một số bạn đọc băn khoăn vì "thấy nhiều bác sĩ ở nhà lầu, đi xe hơi, tức bác sĩ đâu có nghèo".
Trong bình luận gửi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc M.Châu viết: "Tôi có thấy bác sĩ nào đi xe máy đi làm đâu, toàn ôtô xịn, con cái toàn đi du học tự túc". Bạn đọc Văn Minh thì nêu: "Lương thấp thì đúng nhưng thực nhận họ không có khai, tiền kiếm được ngoài lương cũng không khai".
Tuy nhiên, bạn đọc Tuấn khẳng định: "Thu nhập của y bác sĩ hiện rất thấp, theo hệ số mà thôi. Bác sĩ giàu có, con đi du học thì cày gần chết. Chạy ngược chạy xuôi, làm thêm nơi này, nơi khác. Cuộc sống bấp bênh lắm chứ giàu có gì".
"Bác sĩ đi xe hơi, cho con du học mà người ta nói là những bác sĩ lớn tuổi, họ mở phòng mạch ở cái thời mà phòng khám đa khoa và bệnh viện tư nhân chưa có nhiều như bây giờ, nên họ rất dễ dàng kiếm tiền tại thời điểm đó, dù chuyên môn chưa chắc bằng lứa bác sĩ sau này. Lúc đó đất đai cũng rẻ, họ kiếm được tiền rồi đi mua đất, lại càng giàu lên gấp bội.
Còn thời điểm hiện tại, rất nhiều phòng khám đa khoa tư nhân mọc lên, nên mở phòng mạch tư rất khó cạnh tranh, chủ yếu là trưởng khoa các bệnh viện lớn mới có khách chứ bác sĩ thường ít khách lắm.
Tôi biết một số bác sĩ đã phải đóng cửa phòng mạch để đi làm thuê cho bệnh viện tư nhân vì lượng khách sụt giảm nhiều. Mà hiện tại lương y tế tư nhân cũng không quá cao, trong khi giá nhà đất thì trên trời, nên bác sĩ có đi làm cho tư nhân cũng khó mua nhà ở thành phố lớn.
Cái thời mà mỗi bác sĩ chỉ cần mở phòng mạch là kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng, trong khi giá đất chỉ có vài chục triệu/suất đã qua lâu lắm rồi bạn ơi", bạn đọc Tuan nhấn mạnh.
Dẫn chứng trường hợp của mình, bạn đọc ký tên BS K viết: "Tôi là bác sĩ, công tác 10 năm trong nghề y, đã học sau đại học. Vẫn đang ở nhà thuê, đi xe máy cũ, con thì còn nhỏ nên chưa biết sau này có du học không. Bạn tôi đa phần cũng thế. Mà tôi nghỉ nhà nước ra tư nhân rồi, vẫn chưa đủ tiền mua nhà. Một số người bạn của tôi đã bỏ nghề y sang làm nghề khác rồi, hiện tại giàu lắm".
Nhiều bạn đọc khác cũng dẫn ra những "con số biết nói" để người ngoài cuộc hiểu thêm về thu nhập của nhân viên y tế: "Tôi cũng là bác sĩ, một đêm trực của tôi là 85.000 đồng" (bạn đọc Đinh Huy); "Trực ngày thường chỉ có 75.000 đồng, trực ngày nghỉ mới được 115.000 đồng. Nói cho sang mồm chứ tiền trực đâu đủ tiền ăn" (bạn đọc Lê Thị Nga); "Tôi làm việc 26 năm 4 tháng, lương gần 6.750.000 đồng/tháng, làm ở trạm y tế" (bạn đọc Lê Thị Thúy Oanh)...
Bạn đọc Phong chua chát: "Nói ra thì không ai tin. Tại bệnh viện tôi đang làm, phẫu thuật viên mổ một ca chấn thương sọ não được 90.000 đồng, một ca xuất huyết não được 200.000 đồng, trong khi trách nhiệm cao và liên quan tính mạng. Viện phí của bệnh nhân thì có thể hàng chục triệu nhưng công cho bác sĩ và phẫu thuật viên thì bèo bọt".
Là người đã rời ngành y, bạn đọc Dr Nhuan cho rằng có nhiều vấn đề liên quan thu nhập của y bác sĩ. Thứ nhất, thu có nhưng chi quá nhiều, giá quá cao dẫn đến lợi nhuận không còn nhiều, giải pháp là cần minh bạch chi. Thứ hai, nhân viên y tế đông nhưng việc rất trì trệ vì làm nhiều cũng lương nhiêu đó, giải pháp là làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Thứ ba, tăng cường khám ngoài giờ để tăng thu nhập cho bác sĩ khám bệnh...
"Hy vọng tương lai ngành y tế nước nhà có tiếng nói, lương hưởng đúng với giá trị, chất xám, thời gian học của bác sĩ", bạn đọc này viết.
"Tôi chỉ mong sao bác sĩ chỉ phải lo việc của họ là cứu người, giúp người. Còn những vấn đề khác (tiền bạc, tiền này nọ...) họ không nghĩ tới. Có như vậy mới chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tốt được", bạn đọc Hung Sun tha thiết.
Những khoản tiền đó đã đi đâu?
* "Tôi đi khám, vào viện chưa cần biết làm gì hay không là phải đóng 150.000 đồng. Qua bác sĩ chỉ 5 phút hỏi xong là chỉ dẫn đi khám một vòng, tiền đóng riêng, quay lại nghe kết luận cỡ 3-5 phút. Vậy tiền khám chỉ trong vòng 1 giờ là 900.000 x 8 tiếng = 7,2 triệu/1 bác sĩ… Tiền này đi đâu? Còn tiền chiếu chụp phim, mua thuốc riêng…". (Bạn đọc M.Châu)
* Trực 24 giờ sẽ có 8 tiếng hành chính và 16 tiếng ngoài giờ, thời gian làm ngoài giờ tính lương 120%. Một người lương hơn 6 triệu thì mỗi ngày 300.000/8 tiếng. Một ngày trực 24 giờ theo luật lao động sẽ được hưởng 300 + 300 x 2 x 1.2 =1.020.000, tính ra phụ trội sẽ là 420.000 cho 1 ngày trực, 1 ngày nghỉ trực. Nhưng Bộ Y tế chỉ chi trả 100.000 - 300.000 phụ cấp trực tùy vị trí... (BS Văn)
TTO - Liên quan đến việc y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai 'kêu' vì ca trực 115.000 đồng, ca mổ 150.000 đồng, nhiều bạn đọc lên tiếng cho rằng như vậy là không công bằng bởi đây là ngành nghề đặc biệt, cần chế độ ưu đãi tốt mới toàn tâm toàn ý làm việc.
Xem thêm: mth.66162940112802202-oehgn-yah-uaig-is-cab-naul-hnart-enilno-ert-iout-cod-nab/nv.ertiout