Nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THCS ở Đắk Nông đang “nháo nhác” tìm trường do lượng hồ sơ nộp vào các trường THPT tăng đột biến so với các năm trước - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Đắk Nông là một tỉnh điển hình của việc học sinh vào THPT tăng nhưng trường lớp chưa đáp ứng kịp.
Đi học cách nhà gần 40km
Năm nay, số lượng hồ sơ xét tuyển vào lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng khoảng 10 - 15%, cá biệt có trường tăng hơn 30% so với năm học trước.
Đơn cử như Trường THPT Đắk Song năm học 2022 - 2023 có 425 học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên... không đáp ứng được nhu cầu nên nhà trường chỉ tuyển 360 học sinh. 65 học sinh còn lại ở thị trấn Đức An và lân cận phải xin vào học ở trường giáo dục thường xuyên hoặc đi sang các trường khác xa nhà hàng chục cây số.
Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song) dự tính cho con dự tuyển vào Trường THPT Đắk Song cách nhà vài cây số. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ xét tuyển từ trên xuống con chị Hồng không đủ điểm vào Trường THPT Đắk Song. Vì gần nhà không có trường THPT nào khác nên "cực chẳng đã" chị Hồng phải cho con nộp hồ sơ vào Trường THPT Lương Thế Vinh (xã Thuận Hạnh) cách nhà hơn 17km.
Tại huyện Tuy Đức, tình hình còn căng thẳng hơn khi cả huyện này chỉ có duy nhất Trường THPT Lê Quý Đôn. Nhiều phụ huynh đến nộp hồ sơ nhưng được trường trả lời đã đủ học sinh, thậm chí đang thiếu giáo viên.
Không chỉ ở huyện miền núi, ngay tại TP Gia Nghĩa, nhiều phụ huynh cũng phải chạy đôn chạy đáo nhiều ngày trời mới tìm được trường cho con nhưng vẫn chưa xong. Như anh T.T.N. phải cho con trai học tại trường THPT ở một huyện khác, cách nhà gần 40km vì tất cả các trường THPT trên địa bàn TP Gia Nghĩa đã xét tuyển đủ số lượng hồ sơ.
"Thật sự để cháu đi học xa nhà vài chục kilômet, trong khi cháu chưa biết đi xe máy nên chúng tôi cũng chưa biết sẽ phải làm thế nào khi năm học mới sắp bắt đầu", anh N. lo lắng.
Sẽ có giải pháp
Theo lãnh đạo các trường THPT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh "trượt cấp III" là do năm nay số lượng hồ sơ xét tuyển tăng vọt, tỉ lệ cạnh tranh cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh được UBND tỉnh phê duyệt từ năm học trước.
Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn huyện Cư Jút cho biết năm nay là năm học đặc biệt với thế hệ sinh năm 2007. Những năm học trước trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, nhưng năm nay số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường lại vượt chỉ tiêu.
"Theo nhận định, có thể số lượng hồ sơ xét tuyển tăng chỉ xảy ra trong năm học này nên nhà trường đã xin ý kiến, tiếp nhận hết học sinh trên địa bàn tuyển sinh nhưng không tăng số lớp. Tuy nhiên, với trường dôi dư nhiều hồ sơ xét tuyển, việc tuyển hay không tuyển các em sẽ là một vấn đề nan giải", vị này cho biết.
Ông Phan Thanh Hải, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, cho biết hiện có hơn 10.000 học sinh hoàn thành bậc THCS. Theo đề án tuyển sinh thì 70% học sinh trong số này sẽ được định hướng học tiếp bậc học THPT. Tuy nhiên, UBND tỉnh hiện phê duyệt tuyển sinh khoảng 8.000 em.
Vì vậy những học sinh không trúng tuyển sẽ phải được tư vấn để học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn. Ngoài ra một số trường có đủ điều kiện sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu.
Năm nay, thế hệ "heo vàng" sinh năm 2007 bước vào lớp 10. Tại Đắk Nông, tỉnh này phê duyệt chỉ hơn 8.000 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng năm nay số học sinh vừa tốt nghiệp THCS lên đến hơn 10.000.
TTO - Hôm nay 22-8, hàng triệu học sinh phổ thông ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước tựu trường chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023. Số lượng học sinh tăng dẫn đến trường lớp quá tải đang là bài toán 'đau đầu' ở nhiều nơi.
Xem thêm: mth.71661718022802202-gnourt-mit-cahn-oahn-gnav-oeh-01-pol-hnis-neyut/nv.ertiout