Toàn ngành bứt phá kinh doanh
Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, trong quý II/2022, tổng doanh thu của hơn 20 doanh nghiệp ngành thủy sản trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt trên 16,78 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đạt 30,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 34%.
Doanh thu tăng mạnh, trong khi giá vốn hàng bán tăng ít hơn, cộng với doanh thu tài chính cao gấp đôi cùng kỳ đã giúp cho lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tăng vọt. Riêng quý 2 đạt hơn 1,66 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 2,9 ngàn tỷ đồng; gấp 3,3 lần cùng kỳ.
Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) và Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) là 2 doanh nghiệp đứng đầu về tăng trưởng doanh thu trong quý 2 khi đạt 67,5 tỷ đồng và 178.3 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng cũng tăng gấp đôi với 123,3 và 311,6 tỷ đồng.
Xét về con số tuyệt đối, có 4 doanh nghiệp đạt doanh thu trên nghìn tỷ. Cụ thể, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đạt mức cao nhất trong nhóm với hơn 4.2 ngàn tỷ đồng, tăng trên 80%.
Theo sau là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI), Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), Nam Việt (HOSE: ANV) cùng tăng trưởng 2 con số, đạt lần lượt gần 2,4 – 1, 4 – 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của “vua tôm” Minh Phú (UPCoM: MPC) lại thụt lùi 7% khi đạt 2,7 nghìn tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã: ABT), Công ty CP Nam Việt (ANV), CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI), Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) hay Camimex Group (HOSE: CMX) là những điểm sáng trong tăng trưởng lợi nhuận gộp với mức tăng đều trên 100% trong quý 2.
Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) cũng đã thoát lỗ trong quý 2 năm nay khi có khoản lợi nhuận gộp hơn 15 tỷ đồng nhờ vào doanh thu tăng mạnh.
Riêng CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Minh Hải (UPCoM: JOS) là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành bị lỗ khi giá vốn ăn mòn hết sạch doanh thu trong kỳ.
Lợi nhuận ròng quý II/2022 của nhóm thủy sản trên sàn ghi nhận trên 1,66 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm, con số này đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn gấp 3,3 lần cùng kỳ. Có 13/21 doanh nghiệp đạt lợi nhuận ròng tăng trưởng trong kỳ với các mức tăng đều trên 50%.
ABT, ANV, IDI tiếp tục là những dấu ấn tích cực nhất ngành với tăng trưởng lợi nhuận xấp xỉ trên 10 lần cùng kỳ, đạt lần lượt 32 tỷ, 240.7 tỷ và 224 tỷ đồng.
Quán quân lợi nhuận trong quý 2/2022 thuộc về VHC, đạt 784 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này đạt trên 1,33 nghìn tỷ đồng, tăng 240% và chiếm hơn 45% lợi nhuận cả nhóm.
Thành quả của VHC, IDI, FMC đều là những con số lợi nhuận quý kỷ lục kể từ khi niêm yết đến nay. ABT cũng đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất 12 năm trở lại, hay CMX có mức lãi gộp cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán.
Nhiều thách thức phía trước
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lần đầu tiên sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đạt kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản vượt mốc trên 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra và tôm chiếm 65% và sản phẩm hải sản khai thác từ biển chiếm 35% tổng xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao giảm sức mua. Bên cạnh đó, hàng thủy sản đang bị giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi thủy sản.
Theo ông Nam, hiện giá thức tăng chăn nuôi trung bình tăng khoảng 20% so với đầu năm. Trong khi giá thức ăn chiếm 65-70% giá thành phẩm. Ngoài ra, các chi phí đầu vào cho sản xuất thủy sản như bao bì, hóa chất, vận chuyển, carton… đều tăng.
Do đó, VASEP đã kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ổn định giá thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn và đầu ra cho sản phẩm. Ở nhiều nước nhập khẩu, lạm phát tăng cao khiến người dân giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu vì thế tạm ngưng nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu áp lực hàng tồn kho, khó xoay sở dòng tiền để trả vay ngân hàng.
Theo nhận định của VASEP, sau khi tăng nóng từ 39-62% trong 4 tháng đầu năm nay, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại.
Theo đó, giá trị xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4% so với tháng 6.
Khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm, chiếm 83,7% tổng giá trị xuất khẩu.
Lượng tồn kho tăng cùng với lạm phát đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ từ tháng 6, do vậy xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này đã giảm 8% trong tháng 6 và tiếp tục giảm 23% trong tháng 7. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu vẫn giữ được tăng trưởng 28% trong tháng 7. Luỹ kế 7 tháng đạt 829 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc sau 7 tháng đã chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái.