Đất khô cằn trong lòng sông Rhine của Đức - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, phân tích hằng tháng mới nhất của Đài quan sát hạn hán toàn cầu (GDO) của Liên minh châu Âu (EU), đăng ngày 22-8 nêu bật nguy cơ đất khô cằn đang tiếp diễn do các đợt nắng nóng liên tiếp kể từ tháng 5 và tình trạng thiếu mưa dai dẳng.
GDO vẫn duy trì cảnh báo được đưa ra trước đó với gần một nửa diện tích của EU có nguy cơ hạn hán. Đồng thời báo cáo cũng lưu ý về việc các con sông nhỏ và nguồn nước bị thu hẹp đáng kể đang tác động xấu đến sản xuất năng lượng tại các nhà máy điện và vụ mùa.
"Hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu vào đầu năm nay đang tiếp tục xảy ra trên diện rộng và trở nên tồi tệ hơn, tính từ đầu tháng 8", báo cáo nêu.
Nguy cơ hạn hán ngày càng gia tăng đã được dự báo đối với các nước như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Luxembourg, Romania và Hungary, cũng như các nước không thuộc EU như Anh, Serbia, Ukraine và Moldova.
Hồ Lac des Brenets ở miền đông nước Pháp - Ảnh: AFP
Theo báo cáo, khoảng 17% diện tích châu Âu hiện đang trong tình trạng báo động đỏ, cao hơn mức 11% được đưa ra trong tháng 7.
Ngoài ra, báo cáo lưu ý rằng lượng mưa gần đây (giữa tháng 8) có thể làm giảm bớt tình trạng hạn hán ở một số khu vực của châu Âu. Tuy nhiên, tại một số vùng, các cơn dông đi kèm đang gây ra thiệt hại.
Báo cáo cho biết khu vực Địa Trung Hải của EU sẽ "ấm và khô hơn các điều kiện bình thường" cho tới tháng 11.
Trong khi đó, một số khu vực châu Âu có lượng mưa bình thường từ tháng 8 đến tháng 10, song không đủ để bù cho lượng mưa ít bất thường trong hơn nửa năm qua.
Một số phần của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Croatia có thể sẽ tiếp tục "khô hạn hơn bình thường".
TTO - Trên khắp châu Âu, hạn hán đang khiến các con sông chính từng cuồn cuộn chảy giờ trông như những con suối. Hạn hán 500 năm có một này dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với các ngành sản xuất, vận tải hàng hóa, năng lượng, sản xuất lương thực.