Thu gom rác tái chế tại chung cư ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
Theo đó, nghị định này thay thế nghị định 155 năm 2016 và nghị định 55 năm 2021. Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Nhưng Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định các địa phương phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân. Và chậm nhất vào cuối năm 2024 mới áp dụng hình thức xử phạt nếu không chấp hành.
Giữa Luật bảo vệ môi trường và nghị định có sự khác biệt về thời gian khiến người dân thắc mắc liệu sau 25-8 có bị xử phạt hay không. Sáng 23-8, Tuổi Trẻ Online có trao đổi với Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cùng một số quận huyện về việc triển khai nghị định này ra sao.
Ông Phạm Bảo Toàn - trưởng Phòng tài nguyên và môi trường quận Phú Nhuận - cho biết theo hướng dẫn của TP, thì gần đây việc phân loại hiện nay chỉ có rác tái chế và rác còn lại.
"Theo Luật bảo vệ môi trường thì yêu cầu phân thành 3 loại, còn TP mình 2 loại. TP phải xin ý kiến của trung ương như thế nào, chúng ta phân 2 loại vì đang hướng tới công nghệ đốt, còn những địa phương khác phân làm 3 loại do họ còn xử lý rác theo cách chôn lấp cũ.
Quy định đã có thì nên có cơ chế, cơ sở hạ tầng đồng bộ để người dân thấy được lợi ích của việc phân loại rác", ông Toàn phân tích.
Đại diện Phòng tài nguyên và môi trường quận Gò Vấp cho biết vẫn chưa thấy Sở Tài nguyên và môi trường triển khai thực hiện nghị định 45, trong đó có nội dung xử phạt không phân loại rác từ ngày 25-8. Vị này nói có thấy một số cơ quan truyền thông đưa tin theo ý kiến Tổng cục Môi trường nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Về việc triển khai phân loại rác tại nguồn ở địa phương, trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn. Người dân cũng biết được là phải thực hiện phân loại rác, nhưng việc này là thói quen nên phải cần thời gian để họ thay đổi.
Với vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM giải thích rằng luật là quy định cao nhất, cơ sở để xử phạt. Còn nghị định xử phạt là quy định hành vi xử phạt, xử phạt ra sao.
"Về mốc 25-8 với nghị định 45 thì đây là mốc nghị định có hiệu lực nhưng không phải phạt liền. Trong nghị định có những nội dung sẽ tiến hành xử phạt liền nếu vi phạm như xả thải, chôn lấp trái phép...
Còn có những cái sẽ theo lộ trình, cần thời gian tuyên truyền hợp tình hợp lý. Và việc phân loại rác là một trong những cái cần lộ trình nên chưa xử phạt ngay sau ngày 25-8. Tới khi thời hạn trong Luật bảo vệ môi trường quy định mà còn vi phạm mới xử phạt. Tương tự như xử phạt đội mũ bảo hiểm trước đây cũng cần thời gian tuyên truyền tới mốc nào đó mới bắt buộc xử phạt", vị này cho biết.
Vị này cũng nhấn mạnh thêm xử phạt không phải là cái TP hướng tới, cái quan trọng là giúp thay đổi hành vi của người dân tốt hơn. Xử phạt chỉ thực hiện khi cố tình không thực hiện.
Các hành vi sẽ bị xử phạt ngay theo nghị định 45 và mức phạt
- Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…
Để rơi vãi vật liệu ra đường bị phạt từ 2-4 triệu đồng: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Phạt chủ đầu tư không làm đúng thiết kế: Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt; không có công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt…
Ngoài ra sẽ xử phạt nghiêm ngay lập tức với hành vi làm rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước; vi phạm các quy định về đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường…
"Cặp tình nhân" vô cơ - hữu cơ bị phân tách nơi đầu nguồn cuối cùng vẫn được tái ngộ trong một kết thúc "có hậu".
Xem thêm: mth.89300959032802202-8-52-uas-car-iaol-nahp-gnohk-tahp-ux-ceiv-hciht-iaig-mchpt/nv.ertiout