Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: B.NGỌC
Nhận định được ông Nguyễn Đức Thanh, công sứ tham tán thương mại tại Ý, người trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đòi lại gần trăm container thời gian qua, cho biết tại Hội thảo phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công thương tổ chức ngày 23-8 tại Hà Nội.
Theo ông Thanh, vụ gần 100 container hạt điều là vụ lừa đảo rất lớn, chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước bị lừa nhiều như thế. Ngoài 5 doanh nghiệp bị lừa xuất khẩu 76 container hạt điều hồi đầu năm, còn có 2 công ty trong nước khác đã ký hợp đồng với bọn lừa đảo nhưng chưa chuyển hàng vì được ngăn chặn kịp thời.
"Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động tự xác minh đối tác, kiểm tra địa chỉ công ty đối tác qua Google Map, gọi video để kiểm tra nhà máy, xưởng của đối tác, nếu không tin cậy thì không xuất hàng", ông Thanh khuyến cáo.
Kể về vụ đấu tranh để đòi lại 76 container hạt điều, trị giá hàng chục triệu USD tại Ý thời gian qua, ông Thanh cho hay hầu hết đối tác nhập khẩu của 5 doanh nghiệp trong nước là những công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương, rất nhỏ, không hoạt động, chỉ có 1-2 người làm việc. Có công ty ở giữa cánh đồng, không hoạt động sản xuất.
Tham tán thương mại tại Ý cũng tư vấn doanh nghiệp xuất khẩu có thể mua báo cáo tài chính của công ty đối tác để kiểm tra năng lực, chi phí chỉ mất khoảng 10 USD. Hơn nữa, các doanh nghiệp có thể nhờ tới các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước nếu cần. Điều quan trọng nữa là khi ký kết hợp đồng cần làm rõ điều khoản thanh toán phù hợp năng lực doanh nghiệp.
Chẳng hạn với vụ hạt điều giá trị xuất khẩu lớn cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc 10% giá trị, còn lại thanh toán sau. Điều này giúp doanh nghiệp xác minh được doanh nghiệp nhập khẩu có tài khoản ngân hàng hay không, nắm được thông tin về người chuyển tiền, người nhập hàng, ông Thanh nói.
Trao đổi tại hội thảo, ông Bạch Khánh Nhật, phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho hay thông tin ban đầu các doanh nghiệp bị lừa gần 100 container, nhưng sau khi xác thực lại chính xác có 76 container điều xuất qua Ý gặp sự cố. Đến nay, đã cơ bản xử lý thành công vụ việc, từ nguy cơ mất trắng nay doanh nghiệp không mất container nào, dù kẻ lừa đảo đã chiếm được 33 bộ chứng từ gốc.
Về nguyên nhân các doanh nghiệp bị lừa, theo ông Nhật, là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không liên hệ trực tiếp với đối tác. Công ty môi giới đã làm việc với 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều 15 năm nên rất tin tưởng.
Theo phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cảnh giác với các đơn hàng tăng bất thường, và khi có vụ việc cần phối hợp ngay với hiệp hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần trao đổi với doanh nghiệp cùng ngành hàng để chia sẻ kinh nghiệm.
Là một doanh nghiệp từng bị lừa lô hàng xuất khẩu hạt tiêu hơn 2 triệu USD, ông Nguyễn Huy Hùng, giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu khi giao hàng phải tìm hiểu thông tin khách hàng, ngân hàng đối tác. Đặc biệt khi xuất khẩu không được đưa số vận đơn cho khách, để họ liên hệ đơn vị vận chuyển lấy hàng trên đường đi.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký VCCI, để giảm thiểu rủi ro xuất khẩu, các doanh nghiệp cần có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý. Mọi sự an toàn, tin cậy luôn phải trả bằng chi phí. Các doanh nghiệp nên dựa vào các doanh nghiệp đi trước, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia giỏi hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu.
TT0 - Trong tổng số 74 container hạt điều nhân xuất sang Ý đã có 17 container có được người mua mới, số còn lại doanh nghiệp đang khẩn trương đàm phán với hãng tàu để sớm lấy lại hàng.