Gửi thông tin đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân có nhà đất tại đường Bùi Hữu Nghĩa và Lê Văn Duyệt thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM phản ánh: Khoảng một tháng trở lại đây, UBND phường cho người xuống dựng rào chắn phần đất công trên phần rạch đã lấp sát nhà dân, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Bị rào trước cửa nhà
Ông Trương Minh Thành (ngụ 82/78/3 Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh) cho biết nhà của ông trước đây mặt trước tiếp giáp với con hẻm đường Lê Văn Duyệt và mặt sau tiếp giáp với rạch Bùi Hữu Nghĩa.
Cách đây hai năm, rạch Bùi Hữu Nghĩa được san lấp và thi công thành con đường mới khang trang.
Ông Thành chia sẻ: Trước đây, rạch Bùi Hữu Nghĩa thường xuyên ô nhiễm nên những người dân sống dọc con rạch đóng cửa sau để tránh mùi hôi từ con rạch bị ô nhiễm vào nhà.
Phường dựng rào chắn quản lý đất công, người dân gặp khó khăn khi ra con đường mới. |
Từ khi con rạch được Nhà nước thi công, san lấp làm thành con đường mới, phần cửa phía sau của các hộ dân cũng được sử dụng thường xuyên. Một số hộ dân có cửa trổ ra con đường mới này cũng rất vui mừng khi có lối đi vừa sạch sẽ, vừa rộng rãi.
Thế nhưng người dân vui mừng chưa được bao lâu vì có đường mới đi lại thì phường lại cho người xuống dựng rào, khiến người dân không thể đi ra ngoài bằng con đường mới này.
“Gia đình tôi không có quyết định xử phạt hay cưỡng chế khi trổ cửa ra ngoài đường mới, vậy mà lại bị rào chắn trước nhà. Hơn nữa, nếu rào chắn được thực hiện đồng bộ với tất cả hộ xung quanh thì chúng tôi không nói, còn ở đây thì nhà rào, nhà không” - ông Thành bức xúc.
Tương tự, ông Đoàn Bá Thụ (ngụ 165 Bùi Hữu Nghĩa, phường 1, quận Bình Thạnh) cho biết trước đây nhà ông có hai cửa đi, gồm cửa trước giáp với đường Bùi Hữu Nghĩa và cửa sau giáp với rạch Bùi Hữu Nghĩa.
Do con rạch trước đây thường xuyên bị ô nhiễm nên gia đình ông ít khi sử dụng mà chỉ thỉnh thoảng mở cho thoáng. Ngoài ra, lối đường phía sau này cũng để mục đích thoát hiểm nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn.
Khi con rạch được san lấp thành con đường, gia đình ông sử dụng cửa sau thành lối đi chính. Thế nhưng ngày 30-6, ông nhận được thông báo của UBND phường về việc thực hiện rào chắn phần đất công giáp ranh với nhà ông.
“Sau khi nhận được thông báo của phường, gia đình tôi đã dọn dẹp để trả lại phần đất công rộng khoảng sáu tấc, giáp với mặt tiền đường mới mở để phường quản lý. Đồng thời, tôi cũng có ý kiến về việc rào phần đất công này, vì nếu rào sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của gia đình tôi.
Đến ngày 3-8, phường cho người đến rào chắn lại. Tôi đồng ý đây là đất công thuộc Nhà nước quản lý nhưng việc dựng rào chắn như vậy cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Về lâu dài, nguyện vọng của gia đình tôi là muốn được mua lại phần đất công trước nhà để thuận tiện sử dụng” - ông Thụ ý kiến.
Dựng rào để giữ đất công
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viên Tịnh, Phó Chủ tịch UBND phường 1, quận Bình Thạnh, cho biết: Khoảng năm 2020, rạch Bùi Hữu Nghĩa được cải tạo thành cống hộp kết hợp và thành lập đường giao thông. Hiện nay, con đường này cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao.
Sau khi dự án thực hiện xong, có dư dôi phần đất và đây là phần đất công do quận quản lý. Khi dự án được hình thành, có một số hộ đã tự ý trổ cửa ra phần đất công dư dôi để đi ra đường mới mở.
Quận có chỉ đạo phường phối hợp với Phòng Tài chính lên phương án rào chắn để quản lý phần đất công này. Ngoài việc rào chắn để hạn chế người dân trổ cửa ra phần đất công, còn tránh tình trạng xả rác làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu sau này Nhà nước có chủ trương, sẽ xem xét bán cho người dân theo đúng quy định pháp luật.
Với thắc mắc của người dân vì sao dọc tuyến đường mới mở có nhà bị rào chắn, nhà không, ông Tịnh giải thích: Việc phường dựng rào chắn là chỉ rào phần đất công để tiện quản lý. Vì thế, với những hộ có đất giáp ranh với đất công thì phường mới rào, còn những hộ nào có nhà đất giáp với ranh dự án thì không rào.•