vĐồng tin tức tài chính 365

Giảm lệ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

2022-08-24 09:31

.Phóng viên: Việt Nam là quốc gia nông nghiệp mà mỗi năm phải chi nhiều tỉ USD để nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điển hình là chỉ trong 7 tháng năm 2022, chúng ta đã chi tới gần 2,7 tỉ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô (bắp), đậu tương. Vì sao lại có nghịch lý này, thưa Bộ trưởng?

Giảm lệ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu - Ảnh 1.

- Bộ trưởng LÊ MINH HOAN: Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) chất vấn Chính phủ và ngành nông nghiệp đã có giải pháp nào để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm giảm nhập khẩu, phát triển sản xuất trong nước, góp phần kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi. Tôi đã trả lời đây là câu chuyện Chính phủ cũng trao đổi và nhiều kỳ Quốc hội cũng chất vấn vấn đề này. Tôi cũng chia sẻ thật với Quốc hội là tôi rất áy náy khi một quốc gia nông nghiệp mà lại lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, xuất khẩu hàng hóa cho hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam xuất khẩu đứng hàng thứ 13 trên thế giới, đó là một thành tích rất là lớn. Thế nhưng, khi làm việc với các tổ chức nước ngoài, họ rất bất ngờ là sự manh mún đất đai, quy mô sản xuất của chúng ta. Có thể thấy nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản là ngô. Trên thế giới có tổng cộng 200 triệu ha trồng ngô để làm thức ăn chăn nuôi, trong khi Việt Nam chỉ có 1 triệu ha. Mỹ là thị trường xuất khẩu ngô nhiều nhất cho Việt Nam, với 30 triệu ha, gấp 30 lần quy mô của chúng ta. Quy mô quyết định giá thành để cạnh tranh và quyết định sự ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất.

Giảm lệ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu - Ảnh 2.

Thức ăn chăn nuôi được đóng gói trước khi đưa ra thị trường .Ảnh: AN NA

Trước đây Chính phủ đã có chương trình để hỗ trợ nông dân ĐBSCL chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang đất trồng ngô nhưng thực tiễn thì người nông dân vẫn còn cân nhắc.

Mặc dù không có lợi thế so sánh tuyệt đối nhưng về tương đối, ngành nông nghiệp vẫn có thể quy hoạch những vùng có thể trồng ngô sinh khối (là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn ngô chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ) hoặc ngô để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Bộ đang xây dựng một đề án để tự chủ phần nào vật tư đầu vào, trong đó có thức ăn chăn nuôi, có ngô, có đậu tương để giảm thiểu rủi ro, ít nhất là khi thị trường đứt gãy hoàn toàn thì chúng ta vẫn hỗ trợ được cho bà con.

.Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam ở Sơn La vừa rồi, khi nhắc tới vấn đề nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói vấn đề quan trọng là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Chúng ta sẽ làm gì?

- Chắc chắn chúng ta không thể thay thế hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước, vì trước mắt giá nhập khẩu rẻ hơn. Nhưng có thể thay thế dần, thay thế từng phần, từ 5% lên 10%, 15%. Chúng ta giảm phần lệ thuộc, chứ đừng nghĩ đến việc ngưng hẳn nhập khẩu. Bài toán thức ăn chăn nuôi là câu chuyện lớn để từng bước hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng là "làm chủ việc cung ứng các nguyên liệu chính" như giống, thức ăn gia súc, phân bón.

Nền nông nghiệp của Việt Nam vốn có rất nhiều vấn đề. Một trong đó là lệ thuộc vào nguyên liệu, vật tư đầu vào nhập khẩu từ 50%-60% ở lĩnh vực trồng trọt; 70%-80% ở lĩnh vực chăn nuôi; 90% ở lĩnh vực thủy sản. Vấn đề giảm lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được đưa ra bàn luận rất nhiều lần, từ lâu nhưng rất tiếc là chúng ta chưa đeo đuổi đến cùng. 

Dẫu biết lợi thế so sánh sản xuất nguyên liệu của chúng ta kém hơn nhiều quốc gia trên thế giới nên không thể cạnh tranh được. Họ sản xuất ngô, đậu tương trên đơn vị diện tích là vài ngàn hécta, còn đơn vị sản xuất của chúng ta chỉ vài sào, quy mô nhỏ, công nghệ thiếu đồng bộ nên chi phí cao. Chưa kể các quốc gia còn nghiên cứu, ứng dụng rất sớm những công nghệ biến đổi gien trong chọn tạo giống để đẩy năng suất, chất lượng với chi phí thấp.

Nhìn từ đại dịch Covid-19 đến sự đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng nông sản do cuộc xung đột Nga - Ukraine, chúng ta thấy rằng thế giới thường xuyên biến động và mãi mãi biến động. Thành ra, mỗi quốc gia đều tìm kiếm sự tự chủ. Bởi thế giới hiện nay không giống như ngày xưa nữa, nếu cứ lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài thì khi giá nguyên liệu đầu vào tăng lên bao nhiêu, chúng ta cũng phải chấp nhận.

.Theo Bộ trưởng, cách tiếp cận mới có thể tư duy theo hướng nào?

- Tôi nghĩ rằng không có việc gì khó và vấn đề nào cũng có cách giải quyết, quan trọng là chúng ta có dày công tư duy về nó hay không. Chúng ta đừng nghĩ sẽ làm việc gì đó lớn lao, hãy nghĩ đến thay đổi từng phần. Tôi đề nghị phải xới chuyện này lên để làm. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Nuôi trồng thủy sản, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch... phải nghiên cứu để phục vụ lĩnh vực chăn nuôi. Ngược lại, Viện Chăn nuôi cũng phải nghiên cứu phục vụ lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thì mới giải quyết được vấn đề này.

Thủ tướng nhiều lần nói: "Phải lấy người nông dân làm trung tâm trong mọi hoạt động của ngành nông nghiệp". Người chăn nuôi là những người nông dân nhỏ bé, nhạy cảm vô cùng, giá cả tăng hay giảm đều tác động lớn đến họ, còn các doanh nghiệp lớn có sức chống chịu tốt hơn. 

Do đó, chúng ta cần phải suy nghĩ thấu đáo câu chuyện này. Đơn giản nhất là các bác nông dân lấy rau lang (thân và lá cây khoai lang), cây chuối ngoài ruộng, ngoài vườn phối trộn với thức ăn tinh để độn thêm, giảm chi phí chăn nuôi. Nếu chúng ta chuẩn hóa từ những quy trình đó, cộng với nghiên cứu của các nhà khoa học để đưa ra những công nghệ, thiết bị xử lý thì sẽ ra được các quy trình công nghệ cho các nông hộ.

.Vậy lợi thế so sánh nào và cơ hội nào cho nền nông nghiệp trong nước thay đổi, giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu?

- Tôi lấy ví dụ, diện tích trồng ngô của Mỹ lên tới 30 triệu ha - hơn tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước ta. Nói vậy để thấy chúng ta rất khó có lợi thế so sánh với họ. Bên cạnh đó, bản thân một số ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Vì vậy, có 2 vấn đề nếu chúng ta muốn thay thế việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thứ nhất, chúng ta phải thuyết phục cho được người nông dân, nếu chuyển sang trồng các nguyên liệu trong nước để thay thế việc nhập khẩu ví dụ như ngô, đậu tương thì thu nhập của họ sẽ cao hơn cây trồng hiện tại. Chúng ta phải chứng minh bằng bài toán kinh tế, thu nhập của nông dân tăng lên, chứ không thể nói họ bỏ cây này, trồng cây kia.

Thứ hai, đa phần các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi là của các tập đoàn nước ngoài. Họ có hệ thống cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất từ lâu, thậm chí từ nhiều chục năm với chi phí, giá thành rẻ, nguyên liệu chuẩn theo yêu cầu. Ví dụ, họ cũng dùng ngô làm nguyên liệu nhưng phải là ngô của nước này, nước kia, còn ngô của ta không bảo đảm chất lượng họ mong muốn. 

Do đó, cần có quá trình để chúng ta tiếp cận, chứ không phải cứ dân ta trồng ngô thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ mua. Việc thuyết phục họ rời bỏ nhà cung ứng, bạn hàng truyền thống, đối tác làm ăn nhiều chục năm không phải là điều dễ dàng. Bởi, chúng ta chỉ có một lợi thế duy nhất, đó là nếu trồng được ngô, đậu tương thì chúng ta không bị chi phí logistics.

Phải có lối đi riêng

"Chúng ta đã lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu quá dài. Bây giờ chúng ta phải quay lại vấn đề này, dù không có tham vọng thay thế hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu, bởi chúng ta là một thành phần trong cuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không phải là toàn bộ chuỗi cung ứng. Dù vậy, chúng ta phải có lối đi riêng của mình. Các viện, các trường của ngành nông nghiệp phải bắt tay vào nghiên cứu.

Ví dụ năng suất ngô của chúng ta hiện nay chỉ bằng 1/2 của Mỹ. Vậy phải làm sao để năng suất tăng lên. Bên cạnh đó phải xác định đối tượng phục vụ chính của chúng ta là các nông dân, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, vừa hoặc quy mô hợp tác xã, chứ không phải các tập đoàn chăn nuôi quy mô lớn.

Vì vậy, chủ trương của bộ là nghiên cứu các đề tài về tự chủ thức ăn chăn nuôi từ các chế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để cung cấp một phần thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản cho nông dân. Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc nghiên cứu theo hướng như vậy" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.

Xem thêm: mth.80855740232802202-uahk-pahn-ioun-nahc-na-cuht-oav-couht-el-maig/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giảm lệ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools