Sáu tháng sau khi xe tăng Nga lăn bánh vào Ukraine, giá khí đốt ở châu Âu (hôm 22/8) vẫn tăng trở lại sau thời gian hạ nhiệt do lo ngại nguồn cung từ Nga bị gián đoạn thêm.
Nhưng ở một lĩnh vực quan trọng khác là lương thực thực phẩm, giá đã ổn định. Giá ngũ cốc, dầu thực vật, những thực phẩm chủ yếu khác trên khắp thế giới đã trở lại mức thường thấy trước khi chiến sự bắt đầu. Ví dụ, chỉ số giá dầu thực vật tháng 7 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) giảm 19,2% so với tháng 6, đánh dấu mức thấp nhất trong 10 tháng.
Nga và Ukraine là những cường quốc về nông nghiệp. Họ lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ năm thế giới; đồng thời là hai nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất. Do đó, giá lương thực tăng trong tháng 2 và 3 do lo ngại xuất khẩu sẽ bị gián đoạn. Khi ấy, nỗi lo về tình trạng thiếu hụt lương thực kéo dài, làm giảm dự trữ ngũ cốc và gây ra nạn đói hàng loạt sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ đã không diễn ra. Tuần trước, giá lúa mì kỳ hạn giao tháng 12 tại Chicago giảm xuống còn 7,7 USD mỗi giạ (khoảng 27 kg), thấp hơn nhiều so với mức 12,79 USD cách đây ba tháng và trở lại mức hồi tháng 2.
Ngô cũng trở lại giá như trước xung đột. Trong khi đó, dầu cọ - được dùng trong hàng nghìn món ăn từ kem đến mì ăn liền - không chỉ giảm trở lại mức giá trước khủng hoảng Ukraine, thậm chí còn ở mức thấp hơn.
Thỏa thuận gần đây do Liên Hợp Quốc làm trung gian, cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ cảng Odessa, chỉ có thể giải thích một phần nhỏ. Bởi nó được ký vào cuối tháng 7, thời điểm mà giá cả đã giảm từ trước. Trong khi đó, nhiều người ghi nhận ảnh hưởng từ sức mạnh xuất khẩu lúa mì của Nga.
Theo Bộ nông nghiệp Mỹ, các trang trại của Nga sẽ xuất khẩu kỷ lục 38 triệu tấn lúa mì trong vụ mùa năm 2022-2023, nhiều hơn khoảng 2 triệu tấn so với vụ trước. Nga đang có mùa lúa mì bội thu, một phần do thời tiết tốt vào đầu năm và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà nhập khẩu truyền thống ở Bắc Phi, Trung Đông và châu Á.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng lo lắng về thiếu hụt đã được phóng đại quá mức ngay từ đầu. Theo Charles Robertson, Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, thời điểm ngay sau xung đột, các nhà kinh doanh ngũ cốc đã quá kích động.
Họ đã nhìn nhận sự gián đoạn của nguồn cung ngũ cốc cũng sẽ bị gián đoạn lâu dài như dầu và khí đốt. Tuy nhiên, hai loại hàng hóa này có nguồn cung khác nhau. "Dự trữ lúa mì toàn cầu rất cao", ông Charles Robertson nói. Thời điểm ban đầu, giá tăng vọt vì mối quan hệ giữa dự trữ và giá cả bị phá vỡ do tình trạng đầu cơ.
Người tiêu dùng sẽ không cảm nhận được sự giảm giá ngay lập tức. Giá lúa mì và các loại ngũ cốc khác đã trở lại mức trước xung đột khi được định giá bằng USD chứ không phải bằng nhiều loại tiền tệ khác.
Đồng bạc xanh đã tăng trong năm nay do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn, khiến một số nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 26% so với USD trong năm nay, trong khi đồng bảng Ai Cập giảm 18%. Hai nước này là hai trong ba nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu lịch sử, giá ngũ cốc vốn đã rất cao ngay cả trước chiến sự và không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ không tăng trở lại. Hạn hán trên khắp thế giới sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trong khi đó, phân bón vẫn vô cùng đắt đỏ. Urê hiện có giá 680 USD mỗi tấn, giảm từ mức 955 USD vào giữa tháng 4, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với 400 USD một năm trước.
Nguyên nhân là sự tăng vọt của giá khí đốt tự nhiên, một thành phần trong nhiều loại phân bón. Với việc giá nhiên liệu ở châu Âu tiếp tục đạt mức cao kỷ lục, không loại trừ khả năng có thể có thêm bất ngờ khó chịu với giá lương thực.
Vào tháng 7, Chỉ số giá lương thực FAO đạt 140,9 điểm, giảm 8,6% so với tháng 6, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại hồi đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2021 thì vẫn cao hơn 13,1%.
Kinh tế trưởng FAO Maximo Torero, đánh giá việc giá hàng hóa lương thực giảm từ mức rất cao là điều đáng hoan nghênh. "Nhưng nhiều yếu tố không chắc chắn vẫn còn, bao gồm giá phân bón cao có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong tương lai và sinh kế của nông dân, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và biến động tiền tệ. Tất cả đều gây ra những căng thẳng nghiêm trọng cho an ninh lương thực toàn cầu", ông đánh giá.
Phiên An (theo The Economist, FAO)