Bộ Tài chính cho rằng giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay về mức 0 cần phải được Quốc hội quyết định - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Do đó Luật thuế bảo vệ môi trường không quy định miễn thuế này.
Để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, thời gian qua Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 31-12-2021 (giảm từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít).
Ngày 31-12-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nghị quyết giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2022 (giảm từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít).
Tiếp đó, ngày 6-7-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trong đó có nhiên liệu bay) xuống bằng mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11-7-2022 đến hết ngày 31-12-2022. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã giảm xuống mức sàn trong khung thuế (còn 1.000 đồng/lít).
Bộ Tài chính cho biết mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường là mức điều chỉnh tối đa theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Quốc hội giao tại Luật thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp cần giảm hơn nữa mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thì cần phải trình Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường về 0 sẽ không đảm bảo đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, giá dầu thô trên thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Qua đánh giá, Bộ Tài chính nhận định việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và hãng hàng không nói riêng, góp phần giúp các hãng giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về kiến nghị nới trần giá vé máy bay nội địa và bổ sung quy định cho phép các hãng hàng không Việt Nam được phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa, Bộ Tài chính cho biết thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.
Do vậy Bộ Tài chính đề nghị Vietnam Airlines báo cáo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết phù hợp quy định pháp luật, hài hòa lợi ích các bên. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ khi được Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
TTO - Vietnam Airlines kiến nghị các bộ báo cáo cấp thẩm quyền giảm 100% thuế môi trường, tăng giá trần vé máy bay nội địa từ tháng 7-2022, nghiên cứu phương án bỏ quy định giá trần và cho phép hãng được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa.
Xem thêm: mth.2571851142802202-poh-uhp-gnohk-al-yab-ueil-neihn-iov-gnourt-iom-ev-oab-euht-001-neim/nv.ertiout