Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất nâng cấp nhà ga sân bay Côn Đảo từ 400.000 khách/năm lên 2 triệu khách/năm theo quy hoạch thay vì xây dựng nhà ga hành khách mới công suất 2 triệu khách/năm - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết như vậy khi đề xuất Bộ Giao thông vận tải phương án, kế hoạch đầu tư mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay của sân bay Côn Đảo.
Theo ACV, sân bay Côn Đảo hiện có nhà ga hành khách công suất thiết kế 400.000 khách/năm, sân đỗ máy bay hiện có 4 vị trí đỗ máy bay ATR72 hoặc tương đương. Sáu tháng đầu năm 2022 hành khách qua sân bay Côn Đảo đạt 517.099 người, dự kiến hết năm 2022 sân bay này đạt 1 triệu khách/năm.
Theo quy hoạch đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2021, công suất khai thác của sân bay Côn Đảo đạt 2 triệu khách/năm vào năm 2030.
Để đầu tư theo quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Côn Đảo. Dự kiến dự án sẽ được Cục Hàng không khởi công tháng 6-2023, hoàn thành tháng 12-2024.
Theo ACV, quá trình thi công dự án nâng cấp đường băng và đường lăn sẽ phải đóng cửa sân bay Côn Đảo. Cho nên việc phối hợp triển khai dự án nhà ga hành khách, sân đỗ do ACV làm chủ đầu tư trong cùng thời điểm với dự án nâng cấp đường băng, đường lăn để đảm bảo đồng bộ khi đưa vào khai thác là cần thiết.
Tuy nhiên, ACV đang tập trung nguồn lực để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đang triển khai các dự án trọng điểm được Chính phủ giao như: dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1, xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên, xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi...
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, ACV đề xuất phương án mở rộng nhà ga hiện hữu của sân bay Côn Đảo để nâng tổng diện tích nhà ga từ 2.570m2 lên khoảng 6.340m2. Đồng thời bố trí dây chuyền hàng không đáp ứng công suất 800 hành khách/giờ cao điểm để có thể khai thác 2 triệu hành khách/năm, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030. Khi sản lượng hành khách tăng cao sẽ đầu tư nhà ga mới theo quy hoạch và chuyển đổi nhà ga hiện nay làm nhà ga hàng hóa.
Tổng mức đầu tư dự kiến để nâng cấp nhà ga là hơn 388 tỉ đồng. Tiến độ dự kiến khoảng 24 tháng từ khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chấp thuận.
Theo quy hoạch, sân đỗ máy bay của sân bay Côn Đảo sẽ có 8 vị trí đỗ máy bay Code C (Airbus A321 hoặc tương đương) thay vì 4 vị trí đỗ máy bay loại nhỏ hiện nay.
ACV cho biết sân đỗ máy bay được quy hoạch mở rộng nằm trên 3 khu đất nhưng chỉ có khu đất số 2 chiều dài 300m nằm trên khu đất trống của sân bay, thuận lợi để xây sớm sân đỗ máy bay. Hai khu đất còn lại đang có đài kiểm soát không lưu và đất rừng phòng hộ cần chờ giải phóng mặt bằng.
Vì vậy ACV cho rằng cần thiết phân kỳ xây dựng sân đỗ máy bay thành 2 giai đoạn để có thể triển khai ngay giai đoạn 1.
Giai đoạn 1: xây 5 vị trí đỗ cho máy bay Code C tại khu vực số 2. Đồng thời sử dụng sân đỗ hiện hữu làm nơi dự phòng đỗ máy bay ATR 72 khi cần thiết. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 280 tỉ đồng, tiến độ khoảng 24 tháng.
Giai đoạn 2: sau khi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam di dời đài kiểm soát không lưu, mặt bằng được giải phóng hoàn tất, ACV sẽ tiếp tục đầu tư 3 vị trí đỗ máy bay để đủ 8 vị trí như quy hoạch, đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2030. Chi phí đầu tư 3 vị trí này khoảng hơn 174 tỉ đồng.
Qua trình bày phương án, ACV cho rằng trong điều kiện nguồn vốn đầu tư của ACV đang phải tập trung cho các dự án trọng điểm lớn và phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giải pháp tận dụng hạ tầng hiện có tại sân bay Côn Đảo để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu khai thác là giải pháp tối ưu.
TTO - Báo cáo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất chủ trương đầu tư đồng bộ các dự án đường băng, nhà ga… và tính đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Xem thêm: mth.82581254142802202-iom-ag-ahn-yax-iv-yaht-oad-noc-yab-nas-ag-ahn-gnor-om-taux-ed-vca/nv.ertiout