Khi nước lũ đã tràn ngập cánh đồng đoạn phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang thì cũng là lúc người dân ồ ạt đặt dớn bắt cá
Theo ghi nhận, dù hiện nay nước lũ tràn bờ, một số nơi ngập trắng cả cánh đồng giáp biên giới Campuchia, người dân vùng biên giới đã tranh thủ đặt dớn dày đặc khắp cả cánh đồng.
Vừa đi đổ dớn về tới nhà, ông Trần Văn Nhuận (71 tuổi, ngụ phường Núi Sam) đã xắn tay cùng với các con, cháu tranh thủ đổ cá linh ra các dụng cụ chứa cá để chuẩn bị cho kịp chợ trưa. Ông Nhuận cho hay, ông và các con đi đặt 5 cái dớn trên cánh đồng giáp Campuchia. Hôm nay 24-8 là lần đầu tiên ông đổ dớn được hơn 30kg cá linh non các loại. Tuy nhiên, giá cá linh hiện nay chỉ còn dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg (loại chưa làm - PV).
"Hôm nay là ngày đầu tiên tôi và các con đổ dớn trúng nhiều cá như vậy. Toàn là cá linh non đủ loại nên tôi kêu mấy đứa con tranh thủ phân loại lớn, nhỏ để riêng rồi bán cho bạn hàng cá. Giá cá hiện nay đã giảm rồi. Ngoài chợ bán trên 200.000 đồng/kg là do họ làm cá sẵn thôi. Theo tôi, năm nay nước lũ lớn hơn so với năm 2021, dù nước có lên trễ hơn so với cùng kỳ", ông Nhuận vui vẻ nói.
Cận cảnh cả chục ký cá linh non do ông Nhuận và con trai vừa đi đổ dớn về - Video: BỬU ĐẤU
Theo bản tin dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang lúc 11h ngày 24-8, mực nước sông Tiền tại Tân Châu ngày 23-8 là 2,24m, tăng 0,41m so với cùng kỳ và dự báo trong ngày 24-8, mực nước sẽ lên 2,39m. Còn trên sông Hậu tại Châu Đốc, mực nước là 1,96m, tăng 0,08m. Dự báo trong ngày 24-8, mực nước dâng lên 2,1m.
Ông Lưu Văn Ninh - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang - cho biết trong nửa đầu tháng 8-2022, do ảnh hưởng lũ sông Mekong về kết hợp kỳ triều cường rằm tháng bảy (âm lịch) nên mực nước trên sông Tiền, sông Hậu lên nhanh và cao nhất trong đợt này (từ ngày 13 đến 14-8), ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2021 từ 0,5 - 1m.
Khu vực nội đồng tứ giác Long Xuyên, do thủy triều dâng cao kết hợp lượng mưa lớn nội vùng, mực nước trên các kênh, rạch lên dần và ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2021 từ 0,2 - 0,4m. Vùng hạ lưu trên sông Hậu tại Long Xuyên, mực nước cao nhất đạt mức 2,25m, trên báo động II (BĐII) 0,05m; trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới, mực nước cao nhất đạt mức 2,29m, dưới BĐII 0,21m.
Ông Trần Văn Nhuận đang đổ cá từ xuồng sang đồ đựng cá
Dự báo đầu tháng 9-2022, lượng mưa trên lưu vực gia tăng, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong sẽ lên lại. Từ tháng 9 đến tháng 11-2022, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%.
"Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm trên sông Hậu tại Khánh An, Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐI từ 0,1 - 0,3m. Thời gian xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10. Khu vực nội đồng tứ giác Long Xuyên, đỉnh lũ năm có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐI từ 0,1 - 0,3m. Thời gian xuất hiện trong nửa cuối tháng 10", ông Ninh thông tin.
Sau đây là một số hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận được:
Kênh Vĩnh Tế giờ đây đã tràn ngập nước lũ nên người dân cũng tranh thủ giăng câu cá chốt
Khi con nước lũ tràn về khắp cả cánh đồng cũng là lúc người dân vùng biên giới An Giang tất bật vào mùa đánh bắt cá
Con trai ông Nhuận đang múc cả chục ký cá linh non để chuẩn bị giao cho thương lái với giá 80.000 đồng/kg
TTO - Việc Trung Quốc và các đập thủy điện Mekong xả lũ vào ngày 1-3 vừa qua làm tăng dòng chảy xuống Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ gây tác động tăng nhiều nhất vào ngày 3-4 tới.
Xem thêm: mth.73845013142802202-ac-tab-hnad-tab-tat-neib-gnuv-nad-iougn-gnod-nart-ul-coun/nv.ertiout