Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 24/8 với diễn biến khá tích cực. Hàng loạt các cổ phiếu lớn nhích lên trên mốc tham chiếu và điều này giúp kéo các chỉ số tăng điểm. Trong đó, một số mã tác động tích cực tới thị trường chung có thể kể đến là VCB, BVH, CTG, VIC...
Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số vẫn còn khá khiêm tốn khi áp lực xuất hiện từ nhiều mã trụ cột khác, trong đó, các mã vốn hóa lớn như BCM, ACB, VRE... giảm điểm. Điều này khiến đà tăng của chỉ số không quá lớn. Cụ thể, sau 30 phút đầu giao dịch, VN-Index chỉ tăng nhẹ 3 điểm.
Đà tăng của các chỉ số dần được nới rộng và tiếp tục được củng cố khi hàng loạt cổ phiếu lớn tăng giá mạnh, trong đó, PNJ, VNM, VCB, CTG, VIC... bứt phá.
Tập đoàn thủy sản Minh Phú mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành gần 200 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 1:1 để thưởng cho cổ đông. Vốn điều lệ dự kiến gấp đôi lên gần 4.000 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần theo BCTC riêng kiểm toán 2021. Thời điểm thực hiện trong năm nay, sau khi có chấp thuận của UBCK. Điều này là nguyên nhân khiến MPC tăng biên độ lớn ngay từ phiên sáng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 6,72 điểm lên 1.277,53 điểm. Số mã tăng hoàn toàn áp đảo các mã giảm.
Nhiều mã ngân hàng phiên sáng tăng tốt song phiên chiều quay đầu điều chỉnh như EIB, LPB, SHB, SSB, VIB... Dù vậy, nhóm ngân hàng vẫn là nhân tố giúp thị trường trụ vững trước các đợt rung lắc trong phiên. Mặc dù đã nỗ lực trong nửa cuối phiên chiều, VN-Index đã không thể đóng cửa tại mốc cao nhất ngày khi áp lực bán dâng cao quanh kháng cự 1.280 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,35 điểm, tương ứng 0,5% lên 1.277,16 điểm. Toàn sàn có 279 mã tăng, 172 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,16 điểm, tương ứng 0,72% lên 301,3 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 79 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,52 điểm, tương ứng 0,56% lên 93,3 điểm. Tựu trung, VN-Index phiên ngày 24/8 đều giao dịch trên tham chiếu suốt cả ngày. Riêng chỉ số đại diện nhóm VN30 tăng hơn 4 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn có vai trò lớn trong việc dẫn dắt đà tăng chung của thị trường. Trong đó, VCB của Vietcombank là mã tác động tích cực nhất tới phiên giao dịch với mức tăng 2,2% lên 82.000 đồng/cổ phiếu hay TCB tăng lên 39.250 đồng/cổ phiếu. Một số mã lớn cũng góp mặt trong danh sách này là VNM, NVL, DGC, HVN...
Ở chiều ngược lại, SAB của Sabeco mất 1,6% và là mã tác động tiêu cực nhất tới chị trường chung. Ngoài ra, nhóm mã tác động tiêu cực đến thị trường còn có sự góp mặt của nhóm ngân hàng, thép, bất động sản, tiêu dùng như BID, MSN, HPG, VIC...
Riêng MSN của Masan thực tế có thời điểm tăng song lại bất ngờ bị bán mạnh về cuối phiên, sau thông tin lô hàng mì Omachi bị tịch thu tại nước ngoài.
Đáng chú ý nhất tới thị trường hôm nay có thể kể đến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu lương thực. TAR và PAN được kéo lên mức giá trần. LTG tăng 6,5%, NAF tăng 4,2%, CAP tăng 2,7%... Việc hạn hán kỷ lục ở Trung Quốc cũng như các nước phương Tây cảnh báo tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp. Khối này giải ngân 803 tỷ đồng nhưng lại bán ra 963 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại bán ròng 160 tỷ đồng trên HoSE. VNM là mã được mua mạnh nhất ngày, đạt 155 tỷ đồng, PVD được mua 55,3 tỷ đồng, HDC được mua 17 tỷ đồng... Ngược lại, DGC bị bán gần 70 tỷ đồng, SSI bị bán 36 tỷ đồng, HPG bị bán 34 tỷ đồng, KBC bị bán 32 tỷ đồng...
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.501 tỷ đồng, tăng 0,66% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 2,2% và đạt 12.801 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh tại nhóm VN30 đạt gần 4.800 tỷ đồng.