Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán KIS, trong quý II/2022, trên toàn hệ thống, sản lượng điện than và điện khí lần lượt giảm xuống 26% và 7% so với cùng kỳ 2021, trong bối cảnh giá than thế giới và giá dầu FO Singapore tăng mạnh cùng nguồn than gặp bất lợi.
Bên cạnh đó, KIS cho rằng lượng mưa lớn vào tháng 5 và tháng 6 đã làm tăng sản lượng điện huy động từ thủy điện, trung bình 50% công suất vào các thời gian cao điểm trưa và kịch khung là mức hơn 90% công suất vào cao điểm tối, ngay cao điểm mùa khô, thậm chí tương đương với các quý mùa mưa.
Năng lượng tái tạo (NLTT) cũng có kết quả thuận lợi khi sản lượng đạt 9.2 tỷ kWh (tăng 33% so với cùng kỳ), nhờ các dự án điện gió mới đi vào hoạt động từ quý IV/2021.
Giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh đầu năm 2022 đã khiến giá bán trung bình thị trường điện (CGM) thiết lập mức kỷ lục 1,792 VND/kWh tăng 62% so với tháng 4/2021. Tình hình cung cấp than của Vinacomin cho các nhà máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được cải thiện tuy nhiên vẫn thấp hơn khối lượng 2 bên đã ký kết.
KIS nhận định rằng trong bối cảnh giá than và khí tăng cao, tình hình thủy văn thuận lợi đã giúp các doanh nghiệp thủy điện bừng sáng trong quý II/2022.
Nửa cuối năm 2022, KIS dự phóng nhóm ngành điện còn tiếp tục tăng trưởng.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55 - 65%. Theo đó, lượng mưa cơ bản tại khu vực Bắc bộ được dự báo cao hơn trung bình năm ngoái từ 10 - 25% với xác suất hơn 60%.
Các khu vực Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên cũng có lượng mưa cao, đặc biệt tại một số khu vực như Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có thể cao hơn 15% - 35% so với cùng kỳ với xác suất xảy ra từ 70% - 90%. Dự báo trong năm nay sẽ có 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhất là khu vực miền Bắc và miền Trung
Như vậy, nếu kịch bản này xảy ra, các nhà máy thủy điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi nguồn nước dồi dào hơn, đặc biệt là các nhà máy thủy điện tại miền Trung, có thể kể đến như Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), Thủy điện miền Trung (CHP)...
Song song với đó, tại khu vực miền Trung, sức gió sẽ được cải thiện dần từ tháng 11/2022 cho đến tháng 2/2023 do tác động của các cơn bão và gió mùa Đông Bắc, các công ty điện gió sẽ hưởng lợi trong thời gian này, KIS cho hay.
Ngược lại, nhiệt điện phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ thủy điện và năng lượng tái tạo (NLTT) trong giai đoạn cuối năm.
Tuy nhiên, Chứng khoán KIS cho rằng NLTT bộc lộ nhược điểm thiếu sự ổn định khi điện gió chỉ thường xuyên phát được 2,000MW/ ngày trong tháng 4 và 5, chỉ bằng một nửa công suất lắp đặt còn điện mặt trời chỉ hiệu quả trong 4-5 giờ/ ngày.
Dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) mới chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hơn sẽ là cơ hội cho các dự án điện gió. Việt Nam sẽ không phát triển mới nhiệt điện than từ năm 2030 và công suất điện mặt trời hầu như giữ nguyên so với hiện tại cho đến 2030. Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ, gần bờ KIS dự kiến tăng thêm 30%. NLTT kỳ vọng sẽ chiếm gần 50% tổng công suất lắp đặt cho đến 2045.
Chứng khoán KIS dự kiến chính sách cho các dự án chuyển tiếp này và QHĐ 8 sẽ chính thức được thông qua trong các quý còn lại của 2022. Theo đó, tương lai gần, các công niêm yết có dự án chuyển tiếp như GEG, BCG…sẽ được hưởng lợi. Về dài hạn, các công ty thầu xây lắp các dự án điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi như PC1, PVS… cũng được hưởng lợi.
Về đánh giá cổ phiếu ngành điện trong thời gian tới, KIS đánh giá triển vọng khả quan cho VHS, CHP, SBA, TBC, NT2; và trung lập cho cổ phiếu SJD, PPC; cuối cùng là đánh giá tiêu cực cho cổ phiếu POW bởi sự cố nhà máy Vũng Áng chưa khắc phục được. KIS kỳ vọng vào 2023 năng lượng tái tạo GEG sẽ được lợi nhờ vào chính sách giá.
Hồng Nhung