Khủng hoảng Ukraine nổ ra đã dẫn đến một cuộc tranh luận về sức khỏe của nền kinh tế Nga giữa các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia. Một báo cáo gần đây của 5 nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) đã thu hút chú ý khi tuyên bố sự rút lui của các công ty phương Tây và các biện pháp trừng phạt đang "làm tê liệt" nền kinh tế Nga.
Số khác thì lạc quan hơn. "Nền kinh tế không sụp đổ", Chris Weafer, một chuyên gia uy tín trong việc theo dõi kinh tế Nga, khẳng định trong một bài viết gần đây. Với nhiều đánh giá trái ngược nhau như vậy thì đâu là sự thật?
Sau khi xung đột xảy ra, kinh tế Nga rơi tự do trong giai đoạn đầu. Đồng ruble mất một phần tư giá trị so với USD. Thị trường chứng khoán hoảng loạn, buộc cơ quan quản lý phải tạm ngừng giao dịch. Các công ty phương Tây rời đi, hoặc cam kết làm như vậy khi chính phủ của họ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Trong vòng một tháng, các nhà phân tích đã điều chỉnh giảm dự báo GDP Nga 2022 từ mức tăng 2,5% xuống giảm 10%. Một số thậm chí còn dự đoán ảm đạm hơn. "Các chuyên gia dự đoán GDP của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay, xóa sổ thành quả kinh tế trong 15 năm qua", một tuyên bố của Nhà Trắng nêu.
Cả hai bên của cuộc tranh luận đều đồng ý rằng Nga đang bị tổn thương. Việc tăng lãi suất mạnh vào mùa xuân để chống đồng ruble sụp đổ, cùng với sự rút lui của các doanh nghiệp nước ngoài, đã tạo ra suy thoái. Theo số liệu chính thức, GDP quý II giảm 4% so với cùng kỳ 2021.
Nhiều trong số 300 thành phố công nghiệp của đất nước ở trong tình trạng suy thoái toàn diện vì các lệnh trừng phạt. Rất nhiều trí thức rời đi; những người khác đang chuyển tài sản ra khỏi đất nước. Trong quý I, người nước ngoài đã rút đầu tư trực tiếp đến 15 tỷ USD. Vào tháng 5/2022, lượng kiều hối từ Nga chảy đến Gruzia tính theo USD cao hơn 10 lần so với năm trước.
Nhưng phân tích bằng dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, The Economist đánh giá nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn với những dự báo lạc quan nhất hiện có. Trong đó, trợ lực chính là doanh số bán năng lượng đã thúc đẩy thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục.
Cùng với đó, "chỉ báo hoạt động hiện tại" - một thước đo thời gian thực về tăng trưởng kinh tế - được xây dựng bởi Goldman Sachs, ghi nhận kinh tế Nga đã phục hồi sau khi giảm đáng kể trong tháng 3 và tháng 4.
Các thước đo khác cũng cho thấy hiện trạng về một cuộc suy thoái nhưng không lớn. Vào tháng 6, sản lượng công nghiệp của Nga chỉ giảm 1,8% so với cùng kỳ 2021, theo JPMorgan Chase. PMI khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng ít hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đó. Tiêu thụ điện đang tăng trở lại. Sản lượng hàng hóa của đường sắt đang tăng lên.
Lạm phát đang hạ nhiệt. 5 tháng đầu năm, giá tiêu dùng tăng khoảng 10%. Đồng ruble giảm giá khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ. Sự rút lui của các công ty phương Tây đã cắt giảm nguồn cung. Nhưng tình hình đã bớt căng thẳng, theo Rosstat.
Một nguồn thống kê độc lập, được công bố bởi công ty tư vấn State Street Global Markets và công ty dữ liệu PriceStats, cũng xác nhận xu hướng tương tự. Thậm chí, CBR hiện còn lo lắng về việc giá cả suy giảm.
Đồng ruble giờ mạnh hơn đã cắt giảm chi phí nhập khẩu. Kỳ vọng lạm phát của người Nga cũng giảm. Dữ liệu tổng hợp từ Fed Cleveland, công ty tư vấn Morning Consult, và Raphael Schoenle thuộc Đại học Brandeis cho rằng lạm phát năm tới còn 11%, thay vì mức 17,6% đưa ra vào tháng 3.
Hồi tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất mọi thời đại là 3,9%. Nhiều công ty có số lượng nhân viên tăng thêm. Dữ liệu từ Sberbank cho thấy mức lương thực tế trung bình đã tăng mạnh kể từ mùa xuân.
Thị trường lao động tốt giúp mọi người tiếp tục chi tiêu. Dữ liệu của Sberbank cho thấy rằng trong tháng 7, chi tiêu thực tế của người tiêu dùng không thay đổi nhiều so với đầu năm. Nhập khẩu giảm mạnh vào mùa xuân, một phần do nhiều công ty phương Tây ngừng cung cấp. Tuy nhiên, sự sụt giảm không nghiêm trọng như các cuộc suy thoái gần đây và đang phục hồi nhanh chóng.
Kinh tế Nga chống chịu khỏe hơn các dự báo vì ba lý do. Đầu tiên là chính sách. Tổng thống Vladimir Putin là người am hiểu về kinh tế và giao việc quản lý kinh tế cho những nhân sự chủ chốt có trình độ cao. Ngay từ khi xung đột nổ ra, CBR dưới sự dẫn dắt của Thống đốc Elvira Nabiullina đã nhanh chóng tăng mạnh lãi suất, kiểm soát vốn để giữ giá ruble và cắt giảm lạm phát.
Điều thứ hai liên quan đến lịch sử kinh tế. Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, từng nói với chính phủ Anh rằng người Nga "có thể chịu đựng hơn bất kỳ ai khác". Đây đã là cuộc khủng hoảng kinh tế thứ 5 mà họ đối mặt trong 25 năm, sau các lần vào năm 1998, 2008, 2014 và 2020. Xa hơn, bất kỳ ai trên 40 tuổi đều có ký ức về cuộc khủng hoảng kinh tế bất thường khi Liên Xô sụp đổ. Mọi người đã học cách thích nghi, thay vì hoảng loạn.
Các bộ phận của nền kinh tế Nga từ lâu đã khá tách biệt với phương Tây. Cái giá của điều này là tăng trưởng thấp hơn, nhưng bù lại được độc lập hơn. Năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga chỉ khoảng 30% GDP, so với mức trung bình toàn cầu là 49%.
Trước xung đột, chỉ khoảng 0,3% người Nga làm việc cho công ty của Mỹ, so với hơn 2% tại tất cả các nước giàu. Nga cũng cần tương đối ít nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ nước ngoài. Do đó, bị cô lập thêm cũng không tác động lớn.
Yếu tố thứ ba liên quan đến xuất khẩu năng lượng. Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các biện pháp trừng phạt đã có tác động hạn chế đến sản lượng dầu của Nga. Kể từ khủng hoảng Ukraine nổ ra, Nga vẫn bán được tổng cộng 85 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch các loại cho EU, dù cách thức họ tiêu được số ngoại tệ đó là điều bí ẩn.
Tất nhiên, vẫn có những đe dọa dài hạn cho kinh tế Nga. Khi ông Putin vẫn làm chủ Điện Kremlim, có thể các nhà đầu tư phương Tây vẫn sẽ làm ngơ thị trường này. Các biện pháp trừng phạt vẫn còn. CBR thừa nhận rằng dù Nga không phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nước ngoài, nhưng nước này lại rất cần máy móc của nước ngoài. Theo thời gian, các lệnh trừng phạt sẽ phải trả giá và Nga sẽ sản xuất hàng hóa có chất lượng kém hơn với chi phí cao hơn.
Phiên An (theo The Economist)