Trả lời phỏng vấn TASS hôm 24/8, nghị sĩ quốc hội liên bang Đức (Bundestag) Steffen Kotre - thành viên của ủy ban quốc hội Đức về bảo vệ năng lượng và khí hậu, cho rằng việc khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng ở châu Âu.
"Hiện các kho chứa nhiên liệu đã đầy, sẽ đủ cho khoảng 3 tháng trong mùa đông này. Và rồi chuyện gì xảy ra? Cần hướng đến một chính sách hướng thực tế… Giải pháp hợp lý duy nhất là khởi động Nord Stream 2", nghị sĩ Steffen Kotre nói.
Đức từ chối đưa Nord Stream 2 vào hoạt động bất chấp lời kêu gọi từ các quan chức địa phương và ngành công nghiệp trong nước. (Ảnh: DW)
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Đức khẳng định rằng không có kế hoạch khởi động đường ống Nord Stream 2.
Nord Stream 2, đường ống chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Đức, đã được hoàn thành vào năm ngoái nhưng chưa được đưa vào hoạt động. Berlin đã tạm dừng chứng nhận vào hồi tháng 2, trước sự leo thang của xung đột Nga - Ukraine. Đến nay, Đức từ chối đưa Nord Stream 2 vào hoạt động bất chấp lời kêu gọi từ các quan chức địa phương và ngành công nghiệp trong nước.
Nhiều chính trị gia đã thúc giục quốc hội nước này thay đổi lập trường và tận dụng đường ống Nord Stream 2, có công suất hàng năm 55 tỷ m3, để giúp Đức đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng xuất phát từ việc giảm lưu lượng dòng khí đốt từ Nga qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Nguồn cung thông qua đường ống này gần đây đã giảm xuống còn 20% tổng công suất do các trở ngại kỹ thuật và các lệnh trừng phạt.
Tuần trước, Phó Chủ tịch Bundestag (Quốc hội Đức) Wolfgang Kubicki kêu gọi kích hoạt đường ống "càng sớm càng tốt" để lấp đầy các kho chứa khí đốt của châu Âu trước mùa đông. “Không có lý do gì để không mở Nord Stream 2", ông Wolfgang Kubicki cho hay.
Châu Âu đang có các ý kiến khác nhau về số phận của đường ống Nord Stream 2 khi khu vực này đang vật lộn với nguồn cung cấp khí đốt ngày càng cạn kiệt.
EU nhập khẩu 45% tổng lượng than, 40% tổng lượng khí đốt và 27% tổng lượng dầu từ Nga. Điều này khiến EU gặp khó khi tung các đòn trừng phạt năng lượng lên Nga và châu Âu như ngồi trên "đống lửa" trước khả năng Moskva cắt đừng nguồn cung khí đốt.