vĐồng tin tức tài chính 365

“Màn ảo thuật” của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại ROS

2022-08-26 09:55

Ngày 25/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TpHCM (HoSE) mới ra quyết định hủy niêm yết gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros. Đây từng là mã chứng khoán “nóng" một thời với thị giá thuộc hàng đắt đỏ nhất trên sàn HoSE.

Theo quyết định của HoSE, ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 5/9/2022. Giá trị hủy niêm yết theo mệnh giá là gần 5.676 tỷ đồng.

Màn chào sàn giúp Việt Nam có thêm tỷ phú USD

ROS chính thức chào sàn HoSE vào tháng 9/2016, cùng thời điểm với nhiều mã lớn lúc bấy giờ là SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), VCS của Công ty cổ phần Vicostone, PC1 của Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1, ADS của Công ty Cổ phần Damsan… với giá 12.600 đồng/cổ phiếu phiên đầu giao dịch. Mã này nhanh chóng tạo hình "dựng đứng" với những bước tăng giá khiến giới đầu tư phải ngỡ ngàng.

Cụ thể, điều ngạc nhiên và cả hoài nghi đối với giới báo chí, cũng như giới đầu tư, đó là việc cổ phiếu ROS đã có mức tăng nhanh bất thường, từ mức 12.600 đồng/cổ phiếu ở ngày giao dịch đầu tiên niêm yết trên sàn (1/9) lên mức 126.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/11. Như vậy, mức tăng giá gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn.ROS với khối lượng niêm yết 430 triệu cổ phiếu niêm yết đã nhanh chóng gia nhập nhóm vốn hóa tỷ USD trên thị trường lúc bấy giờ.

So với giá trị giao dịch trung bình phiên của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) nơi ROS đang niêm yết trong cùng khoảng thời gian bấy giờ, ROS luôn đóng góp lớn giá trị dịch toàn sàn. Và không chỉ đóng góp tỉ trọng lớn về giá trị giao dịch, cổ phiếu ROS còn thể hiện sức hấp dẫn với công chúng đầu tư, khi nhiều phiên đạt trên 1.000 tỷ đồng giá trị giao dịch. Ở thời điểm đó, đây là mức giao dịch "khủng" trong giới chứng khoán.

Nhờ thanh khoản tốt, cổ phiếu ROS lần lượt được đưa vào rổ cổ phiếu của các quỹ đầu tư chỉ số như FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF, đồng thời được đưa vào rổ cổ phiếu tính chỉ số VN30 và MSCI Frontier Markets Index.

Nhiều nhà đầu tư kịp "lướt sóng" ROS thời điểm đó cũng đã thu về số tiền lớn hơn đầu tư các mã khác cùng thời điểm. Đây là mã giúp nhiều nhà đầu tư bước "sang trang" giai đoạn 2016-2017.

Tài chính - Ngân hàng - “Màn ảo thuật” của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại ROS

Diễn biến giá cổ phiếu ROS trước khi bị huỷ niêm yết trên HoSE.

Chưa kể, đây cũng là mã cổ phiếu giúp cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vươn lên trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán lúc bấy giờ. Thời điểm đó, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỷ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỷ đồng.

Dù nắm hơn 2/3 cổ phần của ROS nhưng quan hệ giữa ông Quyết và doanh nghiệp vẫn chỉ là cổ đông lớn, ROS cũng không phải là công ty con của FLC. Đến tháng 5/2017 sau khi chính thức được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch HĐQT ROS, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tiếp tục được thổi lên cao và lập đỉnh ở mức 170.000 đồng/cổ phiếu chỉ vài tháng sau đó.

Mức giá này đưa khối tài sản trên sàn của ông Quyết lên mức trên 51.000 tỷ đồng. ROS cũng đóng góp vào khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tới gần 51.000 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết.

Còn với các quỹ đầu tư, ROS cũng góp phần giúp các quỹ "thắng lớn". Có thể kể đến một số quỹ đã đầu tư vào mã này như V.N.M ETF, quỹ đầu tư chỉ số FTSE ETF,  iShares MSCI Frontier 100 ETF…

"Lao dốc" không phanh

Nhưng thời kỳ đỉnh cao cũng không giữ được lâu, sang năm 2018, ROS liên tục lao dốc từ mức 178.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 36.150 đồng/cổ phiếu. Với mức giảm hơn 80%, mã không còn trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường.

Tài chính - Ngân hàng - “Màn ảo thuật” của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại ROS (Hình 2).

ROS lao dốc không phanh, rời top vốn hóa lớn song vẫn "trụ hạng" tại nhóm VN30.

Chưa dừng lại ở đó, sang giai đoạn 2019-2020, ROS vẫn tiếp tục miệt mài giảm. Đà giảm này cũng gắn với hàng loạt những phiên khớp lệnh thoái vốn của ông Trịnh Văn Quyết. Cụ thể, cựu Chủ tịch FLC Faros thực hiện 6 đợt thoái vốn trong vòng hai tháng 4-6/2020, giảm tỉ lệ sở hữu tại đây từ 51,3% xuống 4,17% như hiện tại. Thời điểm bị bắt vừa rồi, ông Quyết vẫn sở hữu 27,3 triệu cổ phiếu ROS. Những lần "xả" hàng của ông Quyết cũng khiến thị trường chứng khoán có những phiên thanh khoản kỷ lục.

Sang năm 2021, cổ phiếu này mới bật tăng trở lại và từng leo lên vùng 16.000 đồng vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, sau khi vụ việc thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị phanh phui, ROS chịu ảnh hưởng liên đới, lại bị bán tháo. Cùng với đó, sự biến động lãnh đạo khiến công ty không thể đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin khiến cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch và cuối cùng là hủy niêm yết.

Màn tăng vốn khủng trong quá khứ

Tân binh "khuynh đảo" thị trường chứng khoán một thời cũng ghi nhận màn tăng vốn khủng trong quá khứ. FLC Faros thành lập từ năm 2011 với số vốn điều lệ ở dạng khiêm tốn khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng chỉ trong vòng 5 năm, vốn điều lệ của ROS đã tăng "khủng" lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới hơn 2.860 lần so với số vốn ban đầu.

Màn tăng vốn mạnh từng gây nhiều ngờ vực và băn khoăn cho giới đầu tư, nhưng phải vài năm sau, sự việc mới dần sáng tỏ. Cụ thể, ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) thông báo đã ra quyết định khởi tố bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ,theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.

Tài chính - Ngân hàng - “Màn ảo thuật” của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại ROS (Hình 3).

Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết và đồng phạm đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu mã ROS và niêm yết 430 triệu mã này trên sàn chứng khoán.

Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/02/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 05 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

HoSE cũng nhận định ROS có thể tiếp tục vi phạm công bố thông tin và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư nên hủy niêm yết. Theo quy định hiện hành, cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM. Doanh nghiệp có cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên UPCoM.

Cuộc đời thăng trầm của ROS tại HoSE sẽ đi đến hồi kết vào ngày 5/9 tới. Song diễn biến sau này của ROS cũng được nhiều nhà đầu tư trông đợi. Kết thúc phiên giao dịch trước khi bị đình chỉ, ROS dừng tại mức 2.510 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư không kịp "thoát hàng" vẫn đang trông đợi diễn biến tới đây của mã này.

Xem thêm: lmth.615665a-sor-iat-teyuq-nav-hnirt-clf-hcit-uhc-uuc-auc-tauht-oa-nam/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

““Màn ảo thuật” của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại ROS”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools