Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: PHẠM THẮNG
Phát biểu kết luận hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) theo nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào chiều 26-8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ dự án luật này là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ bắt đầu nhiệm kỳ khóa XV, các lãnh đạo Quốc hội cùng các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung liên quan đến dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm nay và Chính phủ cũng đã nhiều lần họp và cho ý kiến.
Dự kiến, dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10), trình Quốc hội cho ý kiến lần hai vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng kế hoạch lộ trình từ nay đến tháng 10-2023, trong đó có kế hoạch chi tiết lấy ý kiến nhân dân về dự án luật.
Ông Huệ nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, trong nước và ngoài nước, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, đây cũng là luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quá trình xây dựng phải công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa và phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau.
Cùng với đó, quá trình chuẩn bị và xây dựng dự án luật đòi hỏi có sự đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, không chỉ của những cơ quan trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật như cơ quan của Chính phủ, Quốc hội mà phải có sự tham gia của tất cả cơ quan trong hệ thống chính trị và phải huy động tối đa trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học.
Lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. "Không câu nệ hình thức, thực sự coi trọng nội dung, chú trọng chất lượng", ông Huệ nêu rõ yêu cầu trong việc lấy ý kiến với dự án luật.
Điểm lại những nội dung cần lưu ý, ông Huệ nêu rõ trước hết phải thể chế hóa và cụ thể hóa một cách đầy đủ và đúng đắn tinh thần nghị quyết 18.
Nghị quyết 18 đề cập nhiều nội dung quan trọng, trong đó khó nhất là vấn đề giá đất và tài chính đất đai với nhiều điểm nghẽn thực tế.
Vì vậy sửa luật phải bảo đảm quy định công khai minh bạch, cần có tiêu chí khách quan, thời điểm xác định giá, công bố giá đất... và cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi luật, phải có phân tích, đo lường và dự báo...
Ông Huệ đề nghị các ý kiến đóng góp nêu để có kiến nghị giải pháp về sự vận hành, cơ chế thu thập dữ liệu về đất đai, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật đất đai có giải quyết được bài toán gia tăng giá trị đất đai phục vụ cho phát triển.
Cạnh đó là mối quan hệ với các luật liên quan để bảo đảm đồng bộ, các điều khoản chuyển tiếp, nguyên tắc áp dụng pháp luật…
Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan có báo cáo tổng thuật về hội thảo để làm tài liệu phục vụ công tác thẩm tra và cung cấp cho đại biểu Quốc hội.
Trước đó, tại hội thảo góp ý dự thảo các ý kiến tham luận và trao đổi đã đề cập đến cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, giá đất, hoàn thiện cơ chế định giá đất, cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất...
Sửa Luật đất đai lần này không chỉ giải quyết những tồn tại vướng mắc, mà sẽ tạo ra động lực mới, thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TRẦN HỒNG HÀ khẳng định trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.