GS.TS Sử Đình Thành phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại tọa đàm Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng sông Cửu Long do Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long sáng 27-8, GS.TS Sử Đình Thành - hiệu trưởng nhà trường - cho biết số liệu giai đoạn 2015-2020 cho thấy tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm hơn 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước là 48,1%.
Ở khu vực quản lý nhà nước, chỉ có 7,4% tổng số cán bộ, công chức khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Toàn vùng có 17 trường đại học (có 6 trường ngoài công lập), 26 trường cao đẳng, 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chủ yếu đào tạo về kỹ thuật, kinh doanh, quản trị, nông nghiệp, du lịch, môi trường…, nhưng phần lớn phục vụ cho khu vực tư.
"Với bức tranh đào tạo như vậy, chúng ta có thể thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công vẫn còn một khoảng trống", ông Thành nói.
Ông Mai Văn Nhiều, phó chủ tịch HĐND tỉnh Long An, cho biết là tỉnh có 100% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, nhưng trình độ sau đại học vẫn còn thấp (thạc sĩ chỉ chiếm 29%, tiến sĩ chỉ đạt 3%).
Tỉnh cũng còn tồn tại thực trạng là thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực; năng lực chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ; kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế…
Theo ông Nhiều, biên chế ngày càng giảm, trong khi công việc ngày càng tăng, nếu không nâng cao chất lượng đội ngũ thì không thể nào giải quyết được công việc trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Thông, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tiền Giang, đề xuất cần có tiêu chí cụ thể, công khai, minh bạch nhằm tuyển chọn được nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công.
Theo ông Thông, việc thi tuyển công chức viên chức hiện nay phần lớn bám vào các luật, nghị định trong quá trình phỏng vấn, cần có cải tiến vì chưa lọc được người giỏi như khu vực tư.
Ra mắt chương trình "UEH Mekong 2030"
Các thành viên Ban chỉ đạo chương trình UEH Mekong 2030 tại buổi ra mắt - Ảnh: C.QUỐC
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm cũng đã diễn ra sự kiện ra mắt chương trình "UEH Mekong 2030" - chương trình đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho 13 tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm cung cấp nguồn đội ngũ cán bộ quản lý trung, cao cấp có chất lượng cao với tư duy đổi mới, sáng tạo, tích hợp công nghệ hướng đến phát triển bền vững.
UEH Mekong 2030 sẽ triển khai 5 chương trình đào tạo gồm: đào tạo thạc sĩ chính sách công; đào tạo thạc sĩ quản lý công; đào tạo thạc sĩ quản lý đô thị thông minh và sáng tạo; đào tạo thạc sĩ kinh tế và quản lý môi trường và cuối cùng là chương trình công nghệ và đổi mới sáng tạo (dành cho hệ đại học và các chương trình ngắn hạn).
Để tổ chức thực hiện chương trình, Trường đại học Kinh tế TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất thành lập ban chỉ đạo chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công tầm nhìn 2030 cho Đồng bằng sông Cửu Long (Ban chỉ đạo "UEH Mekong 2030") do GS.TS Nguyễn Đông Phong (chủ tịch hội đồng Trường đại học Kinh tế TP.HCM) làm trưởng ban; GS.TS Sử Đình Thành làm phó trưởng ban và nhiều lãnh đạo một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm thành viên.
TTO - Gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, cán bộ y tế ở tỉnh này phản ảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là mức thu nhập rất thấp khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, khó yên tâm công tác.
Xem thêm: mth.2342331172802202-nel-ort-coh-iad-od-hnirt-oc-lcsbd-o-ob-nac-13-noh-ihc/nv.ertiout