Giá cả leo thang là nỗi lo của hầu hết người dân trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khó khăn sau dịch COVID-19 và giá xăng dầu tăng cao, tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ở Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được tính toán dựa trên khảo sát biến động giá cả của "rổ" chứa 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ đại diện, như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông và bưu điện; giáo dục; dược phẩm y tế...
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,006% so với tháng trước. Còn bình quân 8 tháng đầu năm nay, CPI ước tính tăng khoảng 2,58 - 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa tăng mạnh do tác động từ những bất ổn kinh tế thế giới, mức lạm phát này cho thấy những nỗ lực bình ổn giá của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực.
Tại khu vực kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, so với hồi cuối tháng 7, giá thịt đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại.
Giá thịt lợn đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại. (Ảnh: TTXVN)
"Giá đang cao như vậy mà bây giờ hạ thì cũng thấy thoải mái hơn", bà Vũ Thị Bích Liên, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
Thức ăn chăn nuôi thường chiếm 60 - 70% giá thành thịt lợn nên thịt giảm giá phần lớn là do thức ăn chăn nuôi bớt cao.
Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh, Bắc Giang đã giữ giá bán thức ăn chăn nuôi ở mức ổn định trong suốt 2 tháng qua, sau 5 lần tăng giá từ hồi đầu năm.
"Theo chương trình bình ổn giá từ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, chúng tôi chủ động mua nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung từ giờ đến cuối năm, ổn định giá đầu ra, không tăng giá"", ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh, Bắc Giang, cho biết.
Nhờ các biện pháp bình ổn, nên đà tăng giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã chững lại. Riêng thép nội địa trong 3 tháng gần đây đã giảm giá 14 lần liên tiếp. So với giai đoạn đỉnh điểm, giá thép giờ đã giảm hơn 5 triệu/tấn.
Giá nguyên vật liệu đầu vào chững lại giúp các công trình sôi động hơn. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khả quan hơn.
"Trong thời gian vừa qua, việc giảm giá nguyên liệu như dầu diezel hay giá các loại vật liệu đã giúp các nhà thầu như chúng tôi tiết giảm chi phí hoạt động trong các dự án", ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Fecon, cho hay.
Từ đầu năm tới nay, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Nhu cầu sản xuất, tác động từ thị trường thế giới đã đẩy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên.
Vì vậy, mức lạm phát ước tính cho 8 tháng đầu năm ở mức khoảng 2,6% cho thấy mặt bằng giá đã cơ bản được kiểm soát tốt.
"Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với Mỹ hay châu Âu, điều này cho thấy tỷ lệ lạm phát có thể được kiểm soát. Tất nhiên không thể hoàn toàn đứng ngoài tác động của thế giới, ví dụ như chi phí nhập khẩu tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, tuy nhiên sự thay đổi này ở Việt Nam ít hơn nhiều so với các nước. Tôi cho rằng đây là một điểm mạnh của Việt Nam và việc tiếp tục duy trì chính sách này sẽ hỗ trợ nhiều cho kinh tế", ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, đánh giá.
Hai kịch bản lạm phát năm 2022
Mặc dù kết quả điều hành giá trong 8 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu khả quan, tuy nhiên Bộ Tài chính dự báo vẫn có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả.
Trên cơ sở tính toán các yếu tố, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản CPI năm 2022:
- Kịch bản thứ nhất dựa trên cơ sở giá xăng bình quân năm 2022 tăng tới 40% so với năm 2021. Trong trường hợp này, dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,37% so với năm 2021;
- Kịch bản thứ hai, giá xăng bình quân năm 2022 tăng tới 45% so với năm 2021. Khi đó dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,87% so với năm 2021.
Trong bất cứ kịch bản nào, các giải pháp bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để làm được điều này, Chính phủ đã triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tập trung kiểm soát tốt giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ có tác động lớn đến mặt bằng giá chung.
Bình ổn thị trường từ nay tới cuối năm
Đảm bảo nguồn cung là yếu tố quyết định tới bình ổn giá xăng dầu, một trong những điểm mấu chốt của bài toán kiểm soát CPI.
Ngay từ đầu năm, Bộ Công thương đã chỉ đạo 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn chạy tối đa công suất. Theo tính toán, 2 nhà máy này đáp ứng 72% nhu cầu xăng dầu trong nước trong quý 3 và 80% nhu cầu trong quý 4. Phần còn lại được đảm bảo từ nguồn nhập khẩu.
"Chúng tôi đã giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và thực hiện phân bổ tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo đủ nguồn cho thị trường trong nước", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết.
Giá xăng dầu từ tháng 6 tới nay đã giảm giá 5 lần, trở về mức tương đương hồi tháng 10/2021. Kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh là yêu cầu được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh nhằm tạo hiệu ứng bình ổn giá, trong đó có cước vận tải.
"Bộ Giao thông Vận tải sẽ kết hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến quản lý giá và điều hành giá, hướng dẫn doanh nghiệp trong vấn đề kê khai giá để đảm bảo phù hợp với tình hình xăng dầu giảm", ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, thông tin.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ vừa diễn ra ngày 24/8, các giải pháp bình ổn giá từ nay đến cuối năm đã được đề ra, yu cầu là đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý.
"Việt Nam đang điều hành giá bằng mọi biện pháp có thể để giữ cho giá cả các mặt hàng từ sản phầm tiêu dùng đến các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất. Nếu không kiểm soát được chi phí đầu vào vận hành của nền kinh tế hay đồng tiền mất giá thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá.
Trong 2 kịch bản Bộ Tài chính mới đưa ra, ngay cả ở kịch bản cao, lạm phát năm nay ở mức 3,87% vẫn thấp hơn mục tiêu của Quốc hội đề ra là 4% và mục tiêu này được cho là khả thi.
Bộ Tài chính dự báo vẫn có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả. (Ảnh: PLO)
"Tôi cho là khả thi với 2 điều kiện. Điều kiện thứ nhất là biến động thế giới không có gì ghê gớm, nhất là giá xăng dầu và khí đốt. Thứ hai là Việt Nam tiếp tục phối hợp tốt giữa các chính sách như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách giá cả", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Theo đánh giá, việc chủ động nguồn cung với giá ổn định lương thực và thực phẩm cũng là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong phạm vi mục tiêu đề ra.
Không phải bà nội trợ nào cũng quan tâm và hiểu hết các con số về chỉ số CPI 8 tháng đầu năm, hay 2 kịch bản lạm phát trong năm nay, nhưng giá thịt lợn giảm thì họ biết rõ, vì khi đó, bữa cơm của nhiều người dân cũng đầy đặn hơn.
Những nỗ lực bình ổn giá, kìm chế lạm phát, xét cho cùng, cũng là để bữa cơm, cuộc sống của người dân được tươm tất.
VTV.vn - Sau một thời gian neo ở mức 75.000 đồng/kg, gần đây, giá lợn hơi trên cả nước đã giảm và ổn định. Giá lợn hơi giảm đã tác động đến thị trường bán lẻ thịt lợn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.97865029172802202-taos-meik-coud-aig-gnab-tam/et-hnik/nv.vtv