Hàng trăm héc-ta rừng bị khai thác gỗ và lấn chiếm
Ngày 18-8-2022, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Nguyễn Hồng Mạnh (SN 1968, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc), Phan Văn Đức (SN 1974, nguyên Phó giám đốc), Nguyễn Văn Vũ (SN 1975, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật - quản lý bảo vệ rừng), Phạm Văn Kỳ (SN 1962), Nguyễn Phước Hưng (SN 1963), Nguyễn Hữu Thọ (SN 1971), Đào Thanh Hưởng (SN 1968), Lưu Minh Thanh (SN 1984), Nguyễn Văn Tuân (SN 1986, là trưởng và nhân viên các Phân trường 1, 3).
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, năm 2008, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar được UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý 14.400 héc-ta rừng, trong đó có 7.000 héc-ta rừng tự nhiên. Ngày 18-8-2019, Công an huyện Ea Kar và Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang 4 đối tượng khai thác trái phép gỗ tại khu vực rừng ở tiểu khu 692 (lâm phần của Phân trường 1 do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý). Sau đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố, xử lý 5 đối tượng phá rừng, gồm: Ngô Văn Nam, Hoàng Văn Nam (cùng 35 tuổi), Hoàng Văn Năm (32 tuổi), Phùng Văn Hội (24 tuổi, đều ngụ xã Cư Yang, huyện Ea Kar).
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, hàng ngày đã vào rừng khai thác gỗ trái phép, dẫn trâu đến để vận chuyển gỗ ra bìa rừng. Đến nửa đêm và rạng sáng hôm sau, các đối tượng bốc gỗ lên xe tải, chở đi tiêu thụ. Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện thêm nhiều diện tích rừng, gỗ (thuộc các nhóm từ II đến VIII) bị khai thác trái phép, nằm rải rác tại các xã Cư Yang, Cư Bông, Cư Elang, Cư Prông (huyện Ea Kar), với tổng diện tích trên 309 héc-ta bị phá và bị các hộ dân lấn chiếm làm nương rẫy; một số diện tích, công ty có trồng lại cây keo.
Kết luận giám định vào tháng 4-2020 đối với 82 vị trí đã được khám nghiệm hiện trường của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho thấy, diện tích rừng tự nhiên thực tế bị sụt giảm so với kết quả kiểm kê rừng năm 2014 là 303 héc-ta, với hơn 28.000m3 gỗ bị tàn phá, thiệt hại giá trị kinh tế hơn 29 tỷ đồng.
Tháng 11-2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với Nguyễn Hồng Mạnh (nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) vì để xảy ra tình trạng phá rừng tràn lan trong lâm phần do đơn vị mình quản lý. Các cơ quan chức năng nhận định, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về các nguyên lãnh đạo và cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã buông lỏng quản lý, nên tiến hành khởi tố các bị can trên về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
"Quên" xử lý trách nhiệm dân sự
Ngày 14-4-2022, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong khi các cấp, các ngành thực hiện nhiều kế hoạch để bảo vệ và trồng rừng nhằm gia tăng độ che phủ thì các bị cáo được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên lại không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến rừng bị khai thác trái phép. Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị mức án 9 đến 10 năm tù đối với bị cáo Mạnh, Phan Văn Đức từ 8 đến 9 năm tù, 7 bị cáo còn lại từ 2 năm đến 5 năm tù.
Sau đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo đều dưới khung hình phạt mà Viện KSND đề nghị: Mạnh 5 năm tù, Đức 4 năm 6 tháng tù, 7 bị cáo còn lại từ 2 đến 4 năm tù. Không đồng ý với bản án, 8 trong 9 bị cáo kêu oan, đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ việc. Riêng bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, việc mất rừng không chỉ là do các lâm tặc khai thác mà còn do người dân xâm chiếm, lấy đất sản xuất nhiều năm trước đây. Cơ quan điều tra đã không xác định được thời điểm rừng bị khai thác, không phân tách được mức độ thiệt hại theo mốc thời gian cụ thể để xác định diện tích rừng bị các hộ dân lấn chiếm có nằm trong phần diện tích bị mất rừng trong vụ án này hay không.
Ngoài ra, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, cáo trạng không đề cập đến việc xử lý trách nhiệm dân sự của các bị cáo, chưa thu thập tài liệu liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk là ông Nguyễn Quốc Hưng (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cũng chưa có ý kiến về số tiền gần 29 tỷ đồng thiệt hại, ai sẽ chịu trách nhiệm... Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án để trả hồ sơ điều tra bổ sung.