Ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn về thị trường và nguồn vốn tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các doanh nghiệp ngành gỗ đang tìm cách xoay xở quay về thị trường nội địa, chuyển hướng sang một số thị trường mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại.
Đơn hàng đang sản xuất cũng bị hủy ngang
Tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), ông Nguyễn Văn Sang, giám đốc công ty, cũng đang ráo riết làm lại thị trường nội địa sau khi đơn hàng xuất khẩu kín mít của 6 tháng đầu năm đã đột ngột quay đầu giảm từ tháng 7 vừa qua, với mức giảm trên 30%.
Từ nhiều tháng nay, doanh nghiệp này liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng nội thất ngoài trời. Sức mua có cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với kỳ vọng do những tháng hè cũng là mùa mưa.
Thị trường nội địa là đầu ra duy nhất của doanh nghiệp này khi các nhà nhập khẩu từ Mỹ thông báo tạm thời ngưng nhập những đơn hàng đã đặt từ mùa trước mà Viet Products đang trong kế hoạch sản xuất. Thậm chí tình trạng khách hủy mà không có sự chuẩn bị trước cũng khá phổ biến.
"Trước đây khoảng 30 ngày là nhà nhập khẩu đã thanh toán tiền hàng nhưng hiện nay tiền trả về rất chậm do bản thân họ cũng không bán được hàng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất rủi ro cho các nhà sản xuất Việt Nam vì chi phí sản xuất vẫn phải duy trì, lãi suất vẫn phải trả", ông Sang cho biết.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Mẫn, tổng giám đốc Công ty Bảo Hưng, chuyên về gỗ nội thất, cho biết thời gian gần đây, doanh nghiệp đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nội thất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi bị ảnh hưởng của lạm phát ít hơn các nước khác.
Riêng với thị trường Mỹ dù bị sụt giảm mạnh về đơn hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung vào thị trường ngách, những nhóm hàng ít bị cạnh tranh hơn.
Đây là giải pháp để đối phó với tình hình sụt giảm sức mua ở thị trường châu Âu, Mỹ thời gian gần đây của các doanh nghiệp Việt Nam.
"Cũng có một vài doanh nghiệp chuyển hướng thị trường nội địa để tìm đầu ra hàng hóa, nhằm mục đích duy trì sản xuất trong khi các thị trường xuất khẩu bế tắc", ông Mẫn nói.
Chuyển hướng kinh doanh không dễ nhưng đây là giải pháp giúp các doanh nghiệp sản xuất gỗ và nội thất có thể giảm thiểu được thiệt hại khi hàng loạt đơn hàng bị đối tác quốc tế giãn, giảm, thậm chí hủy ngang.
Theo ông Mẫn, hiện nhiều doanh nghiệp Việt dở mếu, dở cười khi một số nhà mua hàng quốc tế còn lấy cớ hàng đầy kho, bán không được nên ký gửi tại kho ở Việt Nam chờ ngày xuất.
Trong bối cảnh chi phí vận chuyển cao, khách còn đề nghị giữ hàng tại doanh nghiệp và thanh toán chậm.
Xuất khẩu khó, vay vốn càng khó hơn
Tình cảnh như Viet Products, Bảo Hưng không phải là hiếm trong ngành gỗ khi cuộc khảo sát mới nhất của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho thấy 47/52 doanh nghiệp thành viên thừa nhận đơn hàng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều.
Trong đó, có đến 14 doanh nghiệp giảm 70 - 90% đơn hàng, mức giảm phổ biến hơn là từ 30 - 60% với 18 doanh nghiệp. Chỉ có 15 doanh nghiệp bị giảm 10 - 30%, còn lại 5 doanh nghiệp cho biết đơn hàng tiếp tục tăng 10 - 30%.
Đáng chú ý có khách hàng châu Âu hủy đơn hàng đã đặt và đơn hàng đang sản xuất dở dang cũng hủy ngang.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch HAWA, từ tháng 4-2022, những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.
Bước sang tháng 5, tháng 6 thì xu hướng này càng rõ ràng hơn và đến tháng 7, xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ của Việt Nam sang các nước giảm đến 6 - 7%, trong đó thị trường Mỹ giảm đến hai con số.
Cái khó càng bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu do vướng phải vấn đề tỉ giá. Những doanh nghiệp này nhập khẩu nguyên liệu thanh toán bằng đồng USD nhưng khi xuất khẩu lại bán theo giá đồng euro, nên dòng tiền quay về chậm, hao hụt, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chi trả các khoản vay cũng như đội chi phí sản xuất.
Không những vậy, các doanh nghiệp đồ gỗ còn đang đối mặt với trở ngại lớn khác là khó tiếp cận vốn. Hơn một nửa lượng doanh nghiệp được khảo sát (29 doanh nghiệp) cho rằng họ không được hỗ trợ gia hạn tín dụng hay vay vốn với lãi suất cao.
Đơn đặt hàng mới giảm, một số doanh nghiệp gỗ bắt đầu tính chuyện giảm lao động, hoặc vào ca luân phiên ở các nhà máy.
"Sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực thuê lại lao động để duy trì hoạt động sản xuất và đã đạt con số ấn tượng. Tuy nhiên, đợt khó khăn này thêm một lần khó", ông Phương cho biết.
Ông Phùng Quốc Mẫn cho biết trong bối cảnh hiện nay, những doanh nghiệp nào có nền tảng đầu tư tốt sẽ giảm thiểu được chi phí. Nếu có sản phẩm giá thành cạnh tranh hơn thì sẽ giữ được mạng lưới khách hàng và cầm cự trong khó khăn tốt hơn.
Đại diện HAWA cũng cho biết đang tập hợp các ý kiến để kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết nhanh vấn đề tín dụng của ngân hàng. Trong lúc cần nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất thì tín dụng lại bít cửa, đây là cái khó nhất.
"Các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm lãi suất, miễn giảm thuế đất trong thời gian 2 - 3 năm, hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm xã hội; trợ cấp thuế từ Chính phủ. Đặc biệt giảm bớt tần suất kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước", ông Phương kiến nghị.
Khảo sát của HAWA cũng ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp về thủ tục hành chính phiền hà. Trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn thì các cơ quan chức năng lại kiểm tra tình hình thực tế tại đơn vị vẫn nhiều.
Năng suất giảm đáng kể nhưng các chi phí cố định như bảo hiểm xã hội chưa được hỗ trợ mà còn có chiều hướng tăng thêm, doanh nghiệp lại chưa được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ.
TTO - Với kinh nghiệm "xương máu" từ vụ điều tra chống lẩn tránh sản phẩm gỗ dán, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, nhất quán.
Xem thêm: mth.55032019082802202-iom-gnourt-iht-mit-nol-tav-og-peihgn-hnaod/nv.ertiout